Sau khi xuất hiện tại Mexico và Mỹ, làn sóng dịch cúm A/H1N1 đã lan nhanh khắp các châu lục trên thế giới. Giữa lúc các nước và khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp, các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh đang nhanh chóng phản ứng... thì dịch cúm A/H1N1 đang có dấu hiệu tiến mạnh về châu Á, nơi virus cúm gia cầm H5N1 từng hoành hành và hiện vẫn còn tồn tại.
Một pa-nô công cộng hướng dẫn người dân cách phòng ngừa dịch cúm A/H1N1 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Các chuyên gia ước tính, một phần ba dân số thế giới có thể bị nhiễm loại virus cúm gây chết người này, nếu đợt dịch hiện nay bùng phát thành đại dịch. Căn cứ vào số liệu của những đợt dịch trước đây và những thống kê trước khi đợt dịch hiện nay bùng phát, WHO dự đoán số người tử vong trên toàn thế giới trong một đại dịch có thể từ 2 - 7,4 triệu người.
Nhật Bản cho biết, hôm 16-5, 8 học sinh trung học qua xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1, trong khi xuất hiện nhiều lo ngại rằng, virus cúm này đang lan rộng trong trường học ở ít nhất hai thành phố Kobe và Osaka, nơi nhiều học sinh bị ốm. 8 trường hợp trên đều là học sinh trung học ở thành phố Kobe, miền tây Nhật. Ít nhất 9 học sinh khác ở thành phố Osaka gần đó đang bị nghi nhiễm. Thủ tướng Nhật Bản Aso đã kêu gọi người dân Nhật Bản cảnh giác cao và cam kết sẽ có biện pháp ngăn chặn virus cúm lan rộng.
Cựu quan chức cấp cao của WHO Shigeru Omi, hiện là người đứng đầu cơ quan đặc biệt chống cúm A/H1N1 của Chính phủ Nhật, cảnh báo “chúng tôi tin dịch cúm đang bắt đầu lây lan trong khu vực”. Trong khi đó WHO cho rằng, các trường hợp nhiễm cúm ở Nhật cần phải được điều tra. Ngoài ra, khoảng 100 học sinh trung học cùng trường với 9 trường hợp bị nghi nhiễm ở Osaka cũng có triệu chứng sốt. Các em này sẽ được làm xét nghiệm.
Trong khi đó, Ấn Độ đã khẳng định trường hợp nhiễm cúm đầu tiên. Đó là một thanh niên 23 tuổi, bay tới Hyderabad từ New York. Người thanh niên này trở về Ấn Độ và đã bị cách ly khi có triệu chứng sốt. Quan chức y tế hàng đầu của Malaysia Ismail Merican hôm 15-5 cũng xác nhận, nước này đã có ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên. Bệnh nhân là một nam sinh viên 21 tuổi, vừa từ Mỹ về nước hôm 13-5. Trong khi đó, WHO cho biết, số người tử vong do cúm A/H1N1 tăng lên 72 người, với 66 người tại Mexico, 4 người tại Mỹ và tại các nước Costa Rica, Canada mỗi nước 1 người. Trong suốt tuần qua, số người bị nhiễm virus cúm A/H1N1 tăng mạnh, khoảng 1.000 người mỗi ngày kể từ hôm thứ hai tuần trước và tăng lên 8.541 trường hợp vào ngày 16-5.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 14-5 bác bỏ giả thuyết của một chuyên gia Australia rằng, virus cúm A/H1N1 đang lây lan ở nhiều nước hiện nay là sản phẩm của một phòng thí nghiệm. Tiến sĩ Keiji Fukuda, trợ lý Tổng giám đốc WHO về an ninh và môi trường y tế khẳng định, dịch cúm hiện nay rất nghiêm trọng và đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ. Các nhà chế tạo vắc-xin hàng đầu như GlaxoSmithKline, Sanofi-Aventis, Novartis và Baxter International vẫn đang chờ hướng dẫn từ WHO về việc liệu có bắt đầu sản xuất vắc-xin cho một đại dịch thay vì cúm theo mùa hay không.
Mặc dầu châu Á được WHO đánh giá là chuẩn bị đối phó với dịch cúm A/H1N1 tốt hơn so với các khu vực khác, bởi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với các dịch bệnh như SARS, cúm gia cầm (H5N1). Song, nhiều nhà khoa học cũng lo ngại về nguy cơ xảy ra kịch bản hai loại virus cúm A/H1N1 và virus cúm H5N1 “kết hợp” thành một chủng virus mới nguy hiểm hơn ở châu Á. Cả hai loại đều có khả năng đặc biệt là “chộp” gien biến đổi từ các chủng virus khác. Nếu kịch bản tổ hợp gien xảy ra, “con lai” của virus A/H1N1 và H5N1 sẽ có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng và gây tỷ lệ chết người cao tại khu vực này.
GIA HUY