.

Giơ đầu chịu báng!

.

Chủ tịch Hạ viện Anh Michael Martin cuối cùng cũng phải tuyên bố từ chức, sau khi ông bị chỉ trích về cách thức xử lý vụ bê bối “xài chùa” của các nghị sĩ Anh. Sự tham lam vô độ của các nghị sĩ đã đẩy ông Martin trở thành nạn nhân “giơ đầu chịu báng”.

Uy tín của Thủ tướng Gordon Brown (trái) bị giảm sút nghiêm trọng cùng với sự ra đi của Chủ tịch Hạ viện Michael Martin. (Ảnh: PA)

Phát biểu trước Quốc hội, ông Martin nói rằng sẽ từ chức vào ngày 21-6 tới để duy trì sự đoàn kết và người kế nhiệm sẽ được bầu vào ngày sau đó. Ông Martin, một thành viên Công đảng của Thủ tướng Anh Gordon Brown, đã trở thành Chủ tịch Hạ viện đầu tiên ở Anh bị hạ bệ trong hơn 300 năm qua. Ông là nạn nhân cấp cao nhất trong vụ bê bối chi tiêu của các nghị sĩ vốn làm dấy lên sự giận dữ trên khắp nước Anh và khiến phe đối lập kêu gọi bầu cử trước thời hạn.

Theo các nhà phân tích, tuyên bố từ chức của Martin là dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Anh Gordon Brown không còn cách nào khác phải nhượng bộ trước những áp lực đang có khả năng hủy hoại tương lai chính trị của ông. Nhà lãnh đạo Anh này đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm nghiêm trọng trước kỳ bầu cử sớm, thay vì đến giữa năm 2010. Thủ tướng Brown cho rằng, một cuộc bầu cử sớm cũng không thể giải quyết được bê bối chi tiêu.

Đối với một số người, Martin là người “giơ đầu chịu báng” cho những rắc rối của các nghị sĩ thuộc các chính đảng bởi thực tế, ông không trực tiếp dính dáng vào vụ bê bối chi tiêu quá tay này. Song, ông vẫn bị chỉ trích đã tạo kẽ hở cho các nghị sĩ ném tiền qua cửa sổ. Tuy nhiên, đối với nhiều người khác, ông Martin vẫn được cho là vẫn phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn lạm dụng công quỹ.

Vụ bê bối bị phanh phui hồi đầu tháng 5 sau khi một loạt bài báo trên tờ nhật báo Daily Telegraph phanh phui các khoản chi tiêu từ công quỹ của các nhà lập pháp. Daily Telegraph đã chỉ mặt điểm tên nhiều quan chức và qua đó người dân Anh thấy các nhà lập pháp của họ tham lam vô độ. Theo những hóa đơn kê khai bị rò rỉ, các nhà lập pháp thuộc Công đảng cầm quyền cũng như nhiều đảng lớn khác đã lạm chi tiền đóng thuế của người dân để thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt cá nhân và gia đình. Điều này khiến người dân Anh giận giữ, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, kinh tế suy thoái.

Ông Michael Martin công bố sẽ từ chức vào ngày 21-6 tới. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Hạ viện có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị của Anh. Ông Martin được bầu làm đại diện khu vực bầu cử Glasgow ở Hạ viện năm 1979 và trở thành Chủ tịch Hạ viện năm 2000. Theo truyền thống, vị trí của ông không bị ai tranh giành trong các cuộc bầu cử nên ông có thể tại vị cho tới khi về hưu. Trước ông Martin, vị Chủ tịch Hạ viện buộc phải từ chức là ông John Trevor - người đã bị mất đi sự tín nhiệm của các nghị sĩ vào năm 1695 vì nhận hối lộ.

Lòng tham của các ông bà nghị đang khiến chính trường nước Anh nổi sóng. Công đảng cầm quyền trở nên thất thế trước đảng Bảo thủ với tỷ lệ ủng hộ chỉ còn khoảng 22%. Ông Martin cũng cho rằng, tất cả các nghị sĩ và các quan chức phải chịu trách nhiệm đối với việc uy tín của Hạ viện bị hủy hoại và phải làm tất cả những gì có thể để lấy lại niềm tin của người dân. Nhưng cử tri Anh lại cho rằng, đằng sau sự ra đi của ông Martin là bóng dáng của đương kim Thủ tướng Brown và thực tại nguy cơ thất cử đang là mối đe dọa với Công đảng.

Quốc vụ khanh phụ trách tư pháp Shahid Malik đòi hàng chục nghìn bảng Anh từ quỹ công để trang trải chi phí cho căn hộ, đồng thời trả tiền thuê ngôi nhà chính của ông với giá thấp hơn giá thị trường. Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anthony Steen yêu cầu cấp 87.000 bảng cho những chi phí tại tư dinh của ông ở nông thôn. Nghị sĩ Stephen Byers sử dụng 125.000 bảng để sửa chữa và bảo trì một căn hộ mà ông thuê tại London.

Chỉ 2 tháng trước khi về hưu, nghị sĩ Tam Dalyell còn cố gắng mua 2 chiếc giá sách với giá 18.000 bảng. Nghị sĩ Barbara Follett trả 25.000 bảng để thuê bảo vệ tư dinh. Nghị sĩ John Gummer chi 9.000 bảng để thuê người làm vườn, bắt chuột sống trong bãi cỏ nhà ông. Nghị sĩ Douglas Hogg dùng tiền công để nạo vét con mương, sửa đàn piano và thay bóng đèn ở tư dinh. David Chaytor, hạ nghị sĩ Công đảng tại khu vực bầu cử Bury North, thành phố Manchester, đề nghị thanh toán 13.000 bảng Anh tiền lãi suất cho ngôi nhà mua thế chấp của mình, trong khi ông đã thanh toán hết số tiền cầm cố.

Ông này còn đề nghị thanh toán cho 5 ngôi nhà khác nhau kể từ năm 2004 bằng cách kê khai ngôi nhà thứ hai của mình theo nhiều địa chỉ khác nhau. Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Thủ tướng Gordon Brown, Elliot Morley, đã bị sa thải và bị đình chỉ tư cách nghị sĩ Quốc hội của Công đảng sau khi bị phát hiện đã thanh toán 16.000 bảng Anh chi phí cho một ngôi nhà từ lâu không tồn tại. Ngoài ra, nhiều nghị sĩ cũng đã dùng tiền phụ cấp để mua những thứ nhỏ nhặt như khay nước đá, đèn ngủ, phân bón làm từ phân ngựa, kẹo chocolate, bánh quy, ghế da, thảm...

(Theo Daily Telegraph)


PHÚC NGUYÊN

 

 

 

;
.
.
.
.
.