.

Hàn Quốc “toàn cầu hóa” đại học

.

Để cạnh tranh với các trường đào tạo kinh doanh phương Tây, các trường đại học Hàn Quốc đang mở rộng hợp tác với các trường khác trong khắp khu vực.

Đại học quốc gia Seoul là một trong những trường đi đầu trong công cuộc “toàn cầu hóa” đại học Hàn Quốc.

Lee Sun Kee, sinh viên ngành kinh tế, cảm thấy hạnh phúc khi được theo học Đại học Hàn Quốc (Korea University) tại Seoul. Là sinh viên năm cuối, mùa thu vừa rồi anh được tham dự bốn lớp trong chương trình trao đổi sinh viên với trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ). Trở về nước, Lee cảm thấy chương trình đạo tạo về kinh doanh ở trường đại học của mình ở Hàn Quốc “cũng tốt ngang ngửa” với các trường hàng đầu của Mỹ. “Ở Wharton, tôi được gặp những sinh viên tài năng và một số giáo sư nổi tiếng mà bài giảng của họ thật sự ấn tượng. Nhưng ở các lớp khác, tôi cho rằng mình có thể học tốt hơn ở Hàn Quốc với học phí chỉ bằng 1/10 ở Wharton”, anh Lee nói.

Cuộc cải cách mạnh mẽ ở đại học

Lee là một trong số ngày càng nhiều những sinh viên được hưởng thành quả của một cuộc cải cách mạnh mẽ trong các trường đại học ở Hàn Quốc. Trong một chiến dịch “toàn cầu hóa” giáo trình, đội ngũ giảng viên và phương pháp tư duy của sinh viên, các trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc đã mô phỏng phần lớn chương trình đào tạo của các trường kinh doanh hàng đầu ở Mỹ. “Toàn cầu hóa là nhiệm vụ mới của chúng tôi”, giáo sư Jang Hasung, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh thuộc Đại học Hàn Quốc, cho biết. Trong khi các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc như Samsung Electronics và Hyundai Motor đã mở rộng hoạt động ra toàn thế giới trong nhiều năm qua thì, theo ông Jang, lâu nay trường của ông vẫn tập trung quá nhiều vào những vấn đề quốc nội và quan điểm của Hàn Quốc.

Giờ đây các trường đại học Hàn Quốc tham gia cùng các trường kinh doanh khác của châu Á tại Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với các trường kinh doanh của Mỹ và châu Âu. Họ làm như vậy vì châu Á đã nổi lên như là quê hương của các tập đoàn đa quốc gia, tạo ra nhiều việc làm được trả lương cao. “Khi trung tâm thu hút của nền kinh tế toàn cầu chuyển dịch về châu Á thì điều tự nhiên là sinh viên từ châu Âu và Mỹ phải tìm kiếm những kinh nghiệm châu Á và cơ hội kết nối mạng thông qua các trường kinh doanh ở châu Á”, ông Suh Kin Soo, Phó hiệu trưởng Trường Cao học Kinh doanh thuộc Đại học Yonsei, cho biết. Đại học Yonsei đang phát triển một chương trình đào tạo nhấn mạnh vào việc nghiên cứu trường hợp thực tế ở các chaebol – những tập đoàn công ty do gia đình kiểm soát ở Hàn Quốc.

Trên toàn châu Á cũng đã có nhiều nỗ lực khuếch trương những sáng kiến như vậy. Năm ngoái Đại học Hàn Quốc thành lập một liên minh với Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Phúc Đán Trung Quốc ở Thượng Hải đưa ra một chương trình đào tạo 18 tháng, trong đó sinh viên dành mỗi 6 tháng để học tại một trong ba trường nói trên. Chương trình này, gọi là “khối tháp 3 chữ S”, đại diện cho ba thành phố Seoul, Shanghai (Thượng Hải) và Singapore, “sẽ giúp sinh viên thăng tiến nhờ những sức mạnh khác nhau của cả ba nước và thu được lợi ích từ việc mở rộng mạng lưới giao tiếp ở châu Á”, ông Jang ở Đại học Hàn Quốc cho biết. Chương trình này hiện có 31 sinh viên theo học và khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp vào tháng 2 năm tới.

Đi đầu trong phong trào “toàn cầu hóa” các trường kinh doanh là Đại học Hàn Quốc. Hơn một nửa số bài giảng ở trường kinh doanh của đại học này thực hiện bằng tiếng Anh, ngay cả ở bậc học cử nhân. Để làm cho giáo trình của mình tương thích với giáo trình của các trường kinh doanh hàng đầu tại Mỹ và châu Âu, năm 2005 Đại học Hàn Quốc đã tìm kiếm sự công nhận (accreditation) của Hiệp hội các trường đại học về kinh doanh (AACSB) của Mỹ và năm 2007 được công nhận bởi Quỹ châu Âu về Phát triển Quản lý (EFMD) có trụ sở tại Brussels, Bỉ.

Những năm gần đây Đại học Hàn Quốc đã thực hiện các chương trình trao đổi với 100 trường kinh doanh tại Mỹ, châu Âu, tiếp nhận mỗi năm khoảng 300 sinh viên nước ngoài, tương đương 20% tổng số sinh viên trường Kinh doanh của Đại học Hàn Quốc. Bên cạnh 10 giáo sư ngoại quốc làm việc toàn thời gian trong biên chế của trường, Đại học Hàn Quốc còn mời thêm 20 giáo sư thỉnh giảng từ nước ngoài vào giảng dạy các lớp học riêng trải dài suốt năm học.

Một chiến lược quốc gia

Một giáo sư Mỹ  (ông Richard A Swansoncủa Đại học Texas) đang giảng bài tại Đại học quốc gia Seoul.

Nhưng Đại học Hàn Quốc không phải là trường duy nhất tìm kiếm sự công nhận quốc tế. Hiện đã có 6 trường đại học của nước này, kể cả Đại học quốc gia Seoul, Đại học Yonsei, Học viện nâng cao về khoa học và công nghệ Hàn Quốc… đã giành được sự công nhận của AACSB và đều thực hiện các khóa cao học quản trị kinh doanh (MBA) bằng tiếng Anh. “Chúng tôi là kẻ đến sau, nhưng Hàn Quốc đang tiến rất nhanh để nổi lên như một trung tâm đào tạo kinh doanh quan trọng ở châu Á”, ông Song Jae Yong, Phó hiệu Trưởng trường Kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Seoul, nhận xét.

Trong thực tế, các trường đại học Hàn Quốc không “tự thân vận động” mà công cuộc toàn cầu hóa các trường kinh doanh đã trở thành một chiến lược quốc gia của nước này. Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã dành ra 20 triệu đô la Mỹ để tài trợ cho những nỗ lực như vậy của các trường đại học từ nay đến năm 2012.

Với mục tiêu bắt kịp những trường kinh doanh hàng đầu châu Á như Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông và Đại học Quốc gia Singapore, từ năm 2006 Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp mỗi năm 1 triệu đô la Mỹ, kéo dài trong 7 năm, cho một số trường đại học lớn như Đại học Hàn Quốc và Đại học quốc gia Seoul để thực hiện mục tiêu “toàn cầu hóa”. Đại học quốc gia Seoul chẳng hạn, dùng tiền trợ cấp của Chính phủ để thuê 20 giáo sư nổi tiếng từ 20 trường kinh doanh hàng đầu thế giới điều hành các chương trình giảng dạy chuyên sâu, mỗi chương trình kéo dài 2 tuần và sinh viên được cấp tín chỉ, tổ chức vào thời gian nghỉ giữa các học kỳ.

Một trong các chiến lược thu hút sinh viên tìm kiếm kinh nghiệm quốc tế là đưa ra các chương trình đào tạo cấp bằng đôi (dual-degree) hợp tác với các đại học nước ngoài. Ví dụ, năm 2006 Đại học quốc gia Seoul triển khai chương trình hợp tác với Đại học Duke (Mỹ) tạo cơ hội cho sinh viên cao học lấy bằng MBA thứ hai của Đại học Duke nếu họ hoàn tất năm học thứ hai tại Mỹ sau khi hoàn thành năm học thứ nhất tại Seoul. Năm ngoái, Đại học quốc gia Seoul cũng đã ký kết các thỏa thuận tương tự với Đại học Essec của Pháp và Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc.

Thái Bình (Theo Business Week)

 

;
.
.
.
.
.