.

Hy vọng “thoát dịch” đã bắt đầu le lói

.

Đúng một tuần trôi qua kể từ khi dịch cúm A/H1N1 bắt đầu bùng phát tại Mexico, dường như tốc độ lây lan của dịch cúm đã được khẳng định sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, đã có 18 nước và khu vực có người mắc cúm A/H1N1 với tổng số bệnh nhân là 659 người, trong đó có 20 người đã chết. Theo WHO, Mexico vẫn dẫn đầu danh sách có người bị nhiễm virus A/H1N1 với 397 ca và 19 người chết (trong khi con số Bộ Y tế Mexico đưa ra là 473 ca), tiếp theo là Mỹ với 161 ca (1 người chết), Canada 51 ca, Tây Ban Nha 15 ca, Anh 13 ca, Đức 6 ca, New Zealand 4 ca...

Theo các chuyên gia, WHO nên giữ kết quả các nghiên cứu vacxin để có thể giúp những nước nghèo tiếp cận được với nó.

Mặc dầu dịch cúm đã có mặt hầu hết các châu lục, nhưng những tác động trên toàn thế giới suốt một tuần qua giờ đây dường như đỡ “đáng ngại” hơn, khi nó rõ ràng đã không còn mạnh ở những thành phố được coi là ổ dịch. Có được điều này, một phần là do các nước đã đề cao việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, và đặc biệt, dịch bệnh này không quá nguy hiểm như người ta tưởng.

Tại Mexico, nước bị tác động nặng nề nhất, Bộ Y tế đã điều chỉnh con số thống kê trường hợp nghi tử vong vì cúm A/H1N1 từ 176 xuống còn 101, ám chỉ rằng sự bùng phát dịch không nghiêm trọng như những lo sợ ban đầu. Các nhà khoa học cho rằng, loại virus này thiếu khả năng chịu đựng về gen của các loại siêu vi trùng chết người khác.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thậm chí đã lên tiếng tỏ ý hy vọng rằng, virus cúm A/H1N1 có thể sẽ biến đổi sang dạng ít nguy hại hơn virus cúm theo mùa thông thường. Tại thành phố New York, nơi có nhiều trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H1N1 nhất ở Mỹ (49 người), loại cúm này đã không lây lan vượt khỏi những trường hợp đã được phát hiện nhiễm bệnh tại một trường học. Ở Mexico, trung tâm dịch bệnh, rất ít người nhà của bệnh nhân cúm có những biểu hiện lây bệnh.

Một số chuyên gia về cúm còn khẳng định, không thấy có lý do nào để tin rằng, virus H1N1 2009 là loại virus gây chết người đặc biệt. Còn một nhà khoa học liên bang ở Mỹ cho biết, cấu trúc gen của virus này thiếu một số đặc điểm đã thấy trong chủng cúm đã thành đại dịch chết người năm 1918, và gần đây hơn là virus cúm gia cầm. Như vậy, dù cho số người nhiễm cúm A/H1N1 trên thế giới tiếp tục tăng, nhưng đã có nhiều dấu hiệu hy vọng trong cuộc chiến với sự bùng phát toàn cầu của dịch cúm này. 

Với những bài học được rút ra trong 12 năm qua, kể từ khi chủng cúm gia cầm mới và đại dịch SARS xuất hiện, thì việc đối phó của nhiều nước với nguy cơ bùng phát thành đại dịch cúm lợn dường như cũng đã chủ động hơn. Các nhà chức trách đã tăng cường giám sát tại các sân bay và bệnh viện, tích trữ thuốc chống virus cũng như các nguồn cung cấp khác để chống lại bất cứ sự bùng phát dịch bệnh nào. Bộ Giáo dục Mỹ đã ra lệnh đóng cửa hơn 430 trường học tại 18 bang nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan giữa các học sinh.

Những trường có người bị nhiễm phải đóng cửa ít nhất 14 ngày vì thời gian trẻ em phát bệnh sau 7-10 ngày nếu bị lây. Chính phủ Mexico đã thiết lập 800 đường dây nóng để giải đáp mọi thông tin liên quan tới dịch cúm A/H1N1. Nước này cũng bắt đầu ngừng một số hoạt động kinh tế trong 5 ngày kể từ 1-5 để tập trung nỗ lực chống dịch. Mexico quyết định chi 1,67 tỷ peso (khoảng 124 triệu USD) để chống dịch cúm A/H1N1.
 
Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ sẽ thông qua khoản vay trị giá 3 tỷ USD để giúp Mexico chống dịch. Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đề nghị Quốc hội phê chuẩn khoản tiền 1,5 tỷ USD nhằm ngăn chặn dịch cúm A/H1N1. Trong thư gửi Quốc hội, Tổng thống Obama cho biết, khoản tiền này được dùng cho việc xây dựng các kho dự trữ dược phẩm, giám sát các ca bệnh trong tương lai và trợ giúp các tổ chức quốc tế kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Trong nỗ lực chuẩn bị cho các nước đối phó với dịch cúm mới, WHO đã bắt đầu phân phát 2,4 triệu liều chống virus cúm cho 72 nước. Tiến sĩ Michael J. Ryan, trưởng nhóm phản ứng và báo động toàn cầu cúm A/H1N1 của WHO, cho biết, không kể chi tiết tên các nước được nhận Tamiflu, trừ Mexico. Theo ông, mục tiêu của kế hoạch phân phát thuốc này nhằm đến các nước nghèo nhất nhưng cần sự trợ giúp nhiều nhất.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) hy vọng sẽ có vacxin trong vòng một tháng nữa. Tiến sĩ Michael Shaw, người đứng đầu nhóm thí nhiệm của CDC tìm vacxin chống cúm H1N1 2009, cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức có thể”. Trong khi đó, Tiến sĩ Marie-Paule Kieny, Giám đốc Cơ quan Sáng kiến Nghiên cứu vacxin của WHO cũng khẳng định, “không còn nghi ngờ gì nữa, vacxin sẽ được sản xuất trong thời gian ngắn nhất có thể”, dù phải mất thời gian để liều vacxin đầu tiên được xuất xưởng và có hiệu quả trên cơ thể người. Những lạc quan này bắt nguồn từ các bước đột phá của các nhà khoa học trong phát triển các vacxin khác.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định virus cúm A/H1N1 năm nay sẽ gây ra những tác hại gì. Các chuyên gia cho rằng, cách thông minh duy nhất là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng trong một thế giới đã bị chi phối bởi nỗi ám ảnh sợ hãi về một đại dịch toàn cầu, những tia hy vọng “thoát dịch” đã bắt đầu le lói sáng. 

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.