.

Israel chưa mặn nồng với giải pháp hai nhà nước

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa hối thúc Thủ tướng Israel Netanyahu chấp nhận việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập và ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở bờ Tây theo bản lộ trình hòa bình 2003. Tuy nhiên, ông Obama đã không nhận được cam kết nào từ Thủ tướng Netanyahu về việc ủng hộ thành lập nhà nước Palestine.

Tổng thống Obama (phải) hội đàm với Thủ tướng Netanyahu về giải pháp hai nhà nước tại Nhà Trắng.

Sau các cuộc hội đàm đầu tiên tại Washington, ông Obama một lần nữa tuyên bố ủng hộ kế hoạch hai nhà nước và Mỹ sẽ tham gia tích cực vào tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông cho rằng, Thủ tướng Netanyahu có một cơ hội lịch sử để tác động nghiêm túc tới vấn đề địa vị nhà nước Palestine. Theo Obama, các cuộc đàm phán nghiêm túc giữa Israel và Palestine có thể diễn ra, nếu Israel ra lệnh ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái ở bờ Tây - vùng đất sẽ tạo thành nhà nước Palestine, cùng với dải Gaza.

Thủ tướng Israel nói rằng, ông sẵn sàng tái khởi động ngay lập tức các cuộc hòa đàm và Israel sẵn sàng sống bên cạnh người Palestine. Tuy nhiên, mọi thỏa thuận phụ thuộc vào việc Palestine công nhận Israel là một nhà nước Do Thái. Ông đã kiềm chế không nói từ “nhà nước Palestine” trong suốt các cuộc hội đàm tại Washington với Obama. Ngồi cạnh nhau tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã ca ngợi tình bạn giữa hai nước, nhưng vẫn bất đồng về việc làm thế nào để đi đến giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài 60 năm giữa Israel và người Palestine.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã không nhận được bất kỳ cam kết nào từ Thủ tướng Israel Netanyahu về việc ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, hay sự ủng hộ đối với một nhà nước Palestine độc lập. Theo Obama, người Palestine phải có những bước đi nhằm bảo đảm an ninh của Israel, nhưng ông cũng đưa ra quan điểm cứng rắn về việc xây dựng các khu định cư trên đất Ảrập. Ngược lại, một quan chức Hamas là Musher al-Masri nói rằng, Mỹ vẫn không đối xử công bằng với Palestine như Mỹ đang làm với Israel. Palestine lo ngại, nếu họ công nhận Israel là một nhà nước Do Thái, người tị nạn Palestine sẽ mất cơ hội trở về những vùng đất mà họ phải rời bỏ trước đây do chiến tranh.

Tại Israel, các chính trị gia cánh hữu nói rằng, họ lo ngại Mỹ đang xa rời cam kết ủng hộ an ninh của Israel. Trong khi đó, các chính trị gia đối lập thuộc đảng Kadima nói rằng, Thủ tướng Netanyahu đã bỏ lỡ cơ hội xây dựng lòng tin thực sự với Obama. Thủ tướng Israel đã nhấn mạnh rằng, ưu tiên hàng đầu của ông là đối phó với mối đe dọa từ Iran, bởi Iran đang phát triển một chương trình hạt nhân. Ông quả quyết rằng, tiến trình hòa bình Trung Đông phải song hành với việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

Ông Netanyahu đã nhắc lại những lo ngại của Israel về chương trình hạt nhân của Iran. “Iran đã công khai kêu gọi xóa sổ đất nước của chúng tôi, điều đó là không thể chấp nhận được”. Obama nói rằng, phát triển vũ khí hạt nhân không có lợi cho Iran và Mỹ sẽ để ngỏ các lựa chọn. Hiện, Washington đang mong chờ phản ứng tích cực từ phía Iran vào cuối năm nay.

GIA HUY (Theo Reuters, BBC, AP)

;
.
.
.
.
.