.
MỘT NĂM SAU ĐỘNG ĐẤT Ở TỨ XUYÊN

Sức sống lại trỗi dậy mạnh mẽ

.

Hôm nay (12-5), tròn một năm sau ngày xảy ra động đất ở Tứ Xuyên, làm hơn 80.000 người thiệt mạng và mất tích ở tây nam Trung Quốc. Tuy nhiên, vùng đất này vẫn đang được hồi sinh từng ngày bằng sự nỗ lực chung tay góp sức của Chính phủ Trung Quốc và người dân trong và ngoài nước.

Những ngôi nhà mới đang được xây dựng ở thị trấn Quingchuan thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Huyện lỵ Bắc Xuyên thuộc tỉnh Tứ Xuyên, khu vực tâm chấn trận động đất lịch sử mạnh 8 độ richter và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa lần đầu tiên đã mở cửa để người dân tới tưởng niệm thân nhân đã thiệt mạng. Khoảng 21.000 người, tương đương với 2/3 dân số huyện, đã chết hoặc mất tích trong cơn địa chấn ngày 12-5 năm ngoái.

Những người tới tưởng niệm đều mang theo hoa, hương, nến và pháo để đốt tại những nơi đổ nát, mà trước đây từng là trạm xe buýt, tòa nhà chính quyền hay khu dân cư. Trịnh Thành Dũng, một sinh viên trở về từ trường hướng nghiệp thuộc thành phố Miên Dương, tay ôm bó hoa tưởng nhớ tới người mẹ tử nạn của mình, cho biết: “Tôi tới đây hôm nay để nói với mẹ rằng, cha, em gái và tôi đã có một cuộc sống tốt hơn.

Tôi rất nhớ mẹ và sẽ thường xuyên tới đây để nhìn thấy mẹ”. Cũng trong ngày 12-5 này, sẽ có nhiều trường học mới được xây dựng. Huyện lỵ Bắc Xuyên đã đóng cửa kể từ 20-5 năm ngoái, tuy nhiên, huyện lỵ mới sẽ được xây dựng cách khu vực cũ chừng 23km, ước tính có 58.000 dân vào năm 2010 và 110.000 người vào năm 2020.

Trong một năm qua, đã có 84,6 tỷ nhân dân tệ được giải ngân, trong đó chủ yếu được dùng để xây dựng lại nhà cửa, bệnh viện, trường học… Đến tháng 9-2010, 85% khối lượng các công trình cần tái thiết tại tỉnh Tứ Xuyên sẽ được hoàn tất, với chất lượng tốt hơn, đẹp hơn các công trình trước khi xảy ra thảm họa động đất. Ngoài việc xây dựng lại nhà cửa và các công trình công cộng, chính quyền sẽ dành một khoản tiền thích đáng để đào tạo nghề và tạo thêm công ăn việc làm mới cho người dân.
 
Bằng sự nỗ lực của nhân dân địa phương và chính quyền Trung ương, sau trận động đất, 1.290.000 người đã có việc làm. Số liệu thống kê mới nhất của tỉnh Tứ Xuyên cho biết, tổng số tiền mà người dân trong và ngoài nước đã quyên góp, cùng nguồn hỗ trợ từ Trung ương… để tái thiết Tứ Xuyên cũng đã lên tới hàng trăm tỷ nhân dân tệ.

Cũng trong ngày 12-5, Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố sách trắng đầu tiên về công tác phòng ngừa và giảm thiểu tai họa. Chính quyền các địa phương trên cả nước Trung Quốc đã bắt đầu các chương trình giáo dục nhằm phổ biến kiến thức về phòng ngừa thiên tai và cứu hộ khẩn cấp. Tại Tứ Xuyên, chính quyền đã phân phát sách và các văn bản hướng dẫn xây dựng các kế hoạch sơ tán, ngăn chặn lở đất và kiểm soát dịch bệnh sau thiên tai.

Ông Wang Qizhang, một quan chức cấp cao tỉnh Tứ Xuyên cho biết: “Trận động đất cho thấy, chúng ta yếu kém thế nào trong công tác chuẩn bị ứng phó với các tai họa tiềm tàng. Nhiều người không biết cách thức đối phó với động đất và cách cứu trợ thích hợp. Chúng ta cần rút kinh nghiệm và tăng cường sự hiểu biết cũng như khả năng phòng vệ trong dân chúng”.

Trong 5 năm tới, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) sẽ đào tạo 1 triệu chuyên gia khí tượng ở các vùng nông thôn để bảo đảm rằng, mọi làng mạc đều nắm được thông tin cần thiết để đối phó với các hiện tượng thời tiết ngày càng khốc liệt.

Ngoài ra, Bộ Đất đai và Tài nguyên cũng sẽ thành lập các hệ thống kiểm tra ở hơn 120.000 điểm để phát hiện các thảm họa địa chất tiềm tàng. Hiện nay, Trung Quốc nằm trong số những nước phải hứng chịu nhiều thiên tai nhất, với 70% các thành phố và 50% trong tổng số 1,3 tỷ dân sống ở các khu vực dễ bị thiên tai tấn công. Liên Hợp Quốc ước tính, thảm họa tự nhiên đã gây thiệt hại cho Trung Quốc gần 110 tỷ USD năm ngoái.

 

Sau một năm, chính quyền Trung Quốc chính thức công bố những con số thiệt hại cuối cùng về người và vật chất trong trận động đất kinh hoàng:

Về người, 68.712 người đã chết, 17.912 người mất tích, trong số này có 5.335 học sinh đã thiệt mạng, 546 học sinh bị thương tật do hậu quả của trận động đất. Về vật chất, hàng vạn căn nhà của người dân, các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, di sản văn hóa, nhà máy, xí nghiệp… đã bị chôn vùi.

 

GIA HUY (Tổng hợp từ THX)

;
.
.
.
.
.