.

Ngành công nghiệp ô-tô Mỹ suy thoái trầm trọng

.

Nỗi lo ngại của ngành công nghiệp ô-tô Mỹ nói riêng và thế giới nói chung lại càng nặng nề thêm khi “đại gia” ô-tô lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM) đang trên bờ vực phá sản. GM đang đối mặt với thời hạn chót là ngày 1-6 phải hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu mà Chính phủ Mỹ đặt ra hoặc đệ đơn xin bảo hộ phá sản.

Sự sụp đổ của hai công ty ô-tô GM và Chrysler có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái trầm trọng.

Trong một vài năm trở lại đây, doanh số bán hàng của GM không ngừng giảm sút và thị trường truyền thống đang có xu hướng bị thu hẹp lại. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn khi nền kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái. GM, hôm 27-5, đã tiến sát bờ vực phá sản khi đông đảo các nhà đầu tư từ chối đổi 27 tỷ USD tiền nợ để lấy 10% cổ phiếu trong công ty.
 
Không giống các cổ đông, các nhà đầu tư hay những người giữ trái phiếu công ty GM không có cổ phần trong công ty này. Họ chỉ cho công ty vay tiền với tỷ lệ lãi suất nhất định. Thất bại trên là một trở ngại lớn đối với GM. Trên thực tế, các nhà đầu tư đã chống lại thỏa thuận trên ngay từ đầu, do tin rằng số cổ phiếu trên là quá ít.

GM từng là biểu tượng của công nghiệp Mỹ. Năm 1979, tập đoàn này thuê 618.000 công nhân Mỹ, con số cao nhất so với mọi công ty khác. Tới đầu năm 2009, số nhân viên của GM chỉ còn 88.000 người. Cuối năm 2008, Chính phủ Mỹ bắt đầu bơm hàng chục tỷ USD vào GM và Chrysler do lo ngại sự sụp đổ của hai công ty này có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái trầm trọng. Trong khi đó, Chrysler đang thuyết phục Tòa án chấp nhận kế hoạch bán hầu hết tài sản của công ty này cho hãng Fiat của Italia.

Tổng thống Mỹ Obama từng tuyên bố: “Công nghiệp ô-tô là nền tảng của cả nền kinh tế. Nếu chúng ta để cho GM và Chrysler sụp đổ một cách đơn giản thì đó sẽ là một cách làm phản kinh tế, đi ngược lại chủ trương kích thích kinh tế hiện nay mà chúng ta đang theo đuổi. Nếu để cho mọi việc diễn ra như vậy, chúng ta sẽ chìm sâu hơn vào cơn khủng hoảng hiện nay, thậm chí là đình trệ nặng nề”. Tuy vậy, việc phá sản hay không chủ yếu vẫn phụ thuộc vào chính bản thân GM và Chrysler. Ông Obama cảnh báo các đại gia này về việc phải sớm tự tìm cách cải tổ để nâng cao tính cạnh tranh, làm ăn hiệu quả hơn.

Hiện nay, trong cơn vật vã với khủng hoảng toàn cầu, tập đoàn chế tạo ô-tô khổng lồ GM tiếp tục có chiều hướng tự hạn chế, co cụm lại chờ “ngày phán quyết”. Trong động thái mới nhất, GM vừa phải quyết định đóng cửa 245 trong tổng số 705 đại lý bán hàng của hãng ở Canada. Việc đóng cửa 42% các đại lý tại Canada cũng đồng nghĩa với hàng nghìn người bị mất việc làm. Trước đó, GM thông báo đóng cửa 1.100 đại lý tại Mỹ.

GM cũng thông báo sẽ cắt hợp đồng kinh doanh tới khoảng 2.000 đại lý bán hàng. GM dự kiến giảm một nửa đại lý bán hàng từ tổng số 6.246 đại lý vào cuối năm 2009. Kế hoạch đóng cửa khoảng 3.000 đại lý bán hàng của đại gia ô-tô nói trên có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới các thành phố và thị trấn lớn trên toàn nước Mỹ, vì hàng trăm nghìn người sẽ mất việc làm và khoản thu thuế của các bang sẽ giảm.
GM cho biết vẫn đang cố xoay xở để tránh phá sản bằng mọi giá, nhưng không giấu giếm nỗi lo ngại trước tình trạng phá sản.

Cả GM và Chrysler sử dụng tổng cộng 126.000 nhân công Mỹ. Hàng chục nghìn người khác phụ thuộc vào hai công ty này với tư cách là nhà cung cấp phụ tùng, đại lý bán xe cũng như các nhà thầu phụ khác. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, phá sản có lẽ là cách tốt nhất để GM và Chrysler tìm cách sửa chữa những vấn đề của họ.           

BĂNG CHÂU
(Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.