.

Nước Nga và những ngày tháng 5 lịch sử

.

Cuối tuần qua, Nga cùng các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và nhiều nước châu Âu khác đã kỷ niệm trọng thể Ngày Chiến thắng phát xít Đức lần thứ 64 (9-5-1945 - 9-5-2009), kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai - cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại. 64 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về những ngày tháng 5 oai hùng này luôn là niềm tự hào của nhân dân Nga. Đây không chỉ là dịp để người dân Nga ôn lại chiến thắng hào hùng, mà còn là cơ hội để Moscow thể hiện sức mạnh kinh tế và chính trị của nước Nga thời hiện đại.

Quang cảnh lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ trong ngày kỷ niệm Chiến thắng phát xít Đức lần thứ 64.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev một lần nữa đã khẳng định vai trò quan trọng của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến chống lại phát xít Đức: “Cuộc chiến chống quân xâm lược phát xít là một trong những trang sử oai hùng của dân tộc”. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, những bài học của chiến thắng vĩ đại trước chủ nghĩa phát xít cho tới nay vẫn mang tính cấp bách, trước hết cho những kẻ thực hiện những hành động phiêu lưu quân sự.

Khoảng 9.000 binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Nga đã tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. Đặc biệt, năm nay, Nga lần đầu tiên cho trình diện hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của nước này. Là hệ thống tên lửa thứ 4, S-400 Triumf (SA-21 Growler) đang được xem là “con át chủ bài”, là nền tảng của hệ thống phòng không Nga đến năm 2020 hoặc thậm chí là năm 2025, là niềm tự hào cho tiềm lực khoa học công nghệ trong việc nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí vệ quốc được kế thừa và phát triển từ thời kỳ Liên Xô.

Đây được coi là lễ duyệt binh hoành tráng nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Các nhà phân tích nhận định rằng, vào thời điểm khi quan hệ Nga-NATO đang căng thẳng và Mỹ-Nga đang xúc tiến việc đàm phán về Hiệp định cắt giảm vũ khí chiến lược mới, thì sự phô diễn sức mạnh quân sự nhân Ngày Chiến thắng của Nga đã thể hiện tinh thần quyết tâm nâng cao vị thế chính trị, cũng như tầm ảnh hưởng của nước Nga trên toàn cầu.  

Tổng thống Medvedev nhấn mạnh, Nga sẽ giáng trả thích đáng mọi cuộc xâm lược chống nhân dân Nga, tương lai của nước Nga sẽ hòa bình, thành đạt và hạnh phúc. Các thế hệ người Nga sẽ kế thừa truyền thống kỷ niệm Ngày Chiến thắng vĩ đại 9-5.
 
Sau khi nêu bật những cống hiến quên mình và hy sinh to lớn của quân và dân Liên Xô trước đây, Tổng thống Medvedev khẳng định, không một vấn đề hay khó khăn nào hiện nay có thể cản trở nước Nga thực hiện trách nhiệm cao cả là dành cho các cựu chiến binh một cuộc sống xứng đáng. Đó là một trong những mối quan tâm chính, hàng đầu của xã hội Nga. Quan điểm của Tổng thống Nga là phải biết tri ân với những người có công và cùng đoàn kết với các dân tộc anh em vì sự phát triển chung.

Hiện, các nước SNG có 900.000 cựu chiến binh từng tham gia Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, trong đó Liên bang Nga có 426.000 người và ở thủ đô Moscow có gần 180.000 người. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Nga, hãng Hàng không quốc gia Nga Aeroflot đã quyết định mở chiến dịch tặng vé máy bay miễn phí cho các công dân Nga là cựu binh trong cuộc chiến tranh vệ quốc, bắt đầu từ ngày 4 đến ngày 28-5.

Chính quyền Moscow tặng vé đi lại miễn phí trên các phương tiện giao thông công cộng... Nhiều hoạt động văn hóa chào mừng được tổ chức rầm rộ tại Thủ đô Moscow cùng nhiều thành phố lớn khác của Nga. Đi đến đâu, người ta cũng thấy khẩu hiệu kỷ niệm Ngày Chiến thắng, băng-rôn chào mừng, các cuộc triển lãm, mít-tinh...

Tổng thống Nga nhấn mạnh, không được phép bỏ qua sự thật khủng khiếp của cuộc chiến và không cho phép bất cứ kẻ nào hoài nghi về chiến công anh hùng của dân tộc Nga. Theo ông Medvedev, giờ là lúc Nga phải chứng minh một lần nữa sự thật lịch sử của cuộc chiến tranh và phải làm tất cả, để bảo đảm các đóng góp của nước Nga cho cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sau hàng loạt thăng trầm, nước Nga đang trên đà hồi phục kinh tế và từng bước đổi mới để có thể trở thành đầu tàu trong việc kêu gọi cải tổ Liên Hợp Quốc, hình thành hệ thống chính trị đa cực trên thế giới, đem lại tiếng nói cho những quốc gia đang phát triển và giành quyền lợi cho những quốc gia nhỏ vì một thế giới hòa bình và công bằng.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.