Ngày 13-5, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã kết thúc chuyến thăm Nhật Bản trong 3 ngày, chuyến công du đầu tiên của ông trên cương vị người đứng đầu Chính phủ đến nước láng giềng quan trọng ở châu Á.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Nga-Nhật do tập đoàn Nippon Keidanren tổ chức tại Tokyo. (Ảnh: Reuters) |
Tân Hoa Xã cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Putin diễn ra chỉ trong vòng gần 3 tháng sau khi Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đến đảo Sakhalin của Nga đã thu hút sự chú ý của công chúng xứ sở hoa anh đào. Đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là về kinh tế là mục đích chính của Thủ tướng Putin khi đến Tokyo, bởi ông cho rằng Nhật Bản là nước láng giềng quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nga và Mátxcơva sẽ có nhiều cách để thiết lập các mối quan hệ với quốc gia này.
Đáng chú ý nhất là thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân giữa Nga và Nhật Bản đã được lãnh đạo 2 nước ký kết bởi điều này mở đường cho các hợp đồng thương mại trị giá nhiều tỷ USD. Quan trọng hơn, thỏa thuận sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho các hoạt động chuyển giao công nghệ liên quan đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và tái chế nhiên liệu hạt nhân, cũng như việc chuyển giao các nguyên liệu hạt nhân như uranium đã được làm giàu giữa 2 nước.
Theo hiệp định này, Nga - quốc gia làm giàu uranium lớn nhất thế giới - sẽ cho phép Nhật Bản tiếp cận với nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân ổn định của nước này. Ngược lại, các hãng chế tạo máy móc điện tử lớn của Nhật Bản như tập đoàn Toshiba và Hitachi có thể bán các công nghệ cơ khí và các bí quyết để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và các thiết bị quy mô lớn cho Nga, qua đó giúp nâng cấp ngành năng lượng hạt nhân của Mátxcơva.
Theo các nhà phân tích, lợi ích kinh tế mà Nga mang lại cho Nhật Bản quả thật hấp dẫn. Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại chính của Nga với vị trí thứ hai ở châu Á. Năm ngoái, tổng giao dịch thương mại giữa 2 nước lên tới 29 tỷ USD. Các công ty của Nhật hiện đang tham gia vào 2 dự án năng lượng chính ở vùng Viễn Đông của Nga là Sakhalin-I và Sakhalin-II. Nước Nga còn là nhà cung cấp hàng đầu nguồn nhiên liệu chiến lược dầu mỏ và khí đốt cho Nhật Bản.
Tập đoàn dầu khí và kim loại quốc gia của Nhật Bản và Công ty dầu mỏ Irkutsk của Nga cũng đã ký thỏa thuận hợp tác khai thác 2 mỏ dầu lớn tại khu vực Đông Siberia của Nga với trữ lượng ước tính hàng trăm triệu thùng dầu. Phía Nhật Bản cho rằng, khu vực Đông Siberia ở sát Nhật Bản, có trữ lượng lớn dầu thô và khí đốt tự nhiên. Khi đường ống dẫn dầu tới Thái Bình Dương hoàn thành, dầu thô sản xuất tại khu vực này sẽ được cung cấp cho các thị trường ở Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản.
Điều khiến dư luận 2 nước quan tâm hơn cả vẫn là việc giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril (bao gồm 4 hòn đảo nhỏ Kunashiri, Etorofu, Shikotan, Habomai), ở ngoài khơi phía bắc Hokkaido ở phía Bắc Nhật Bản và hiện do Nga đang quản lý. Tokyo và Mátxcơva cũng đã nhất trí về việc 2 nước sẽ thảo luận “mọi lựa chọn có thể có” để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài nhiều thập kỷ qua tại cuộc hội đàm sắp tới giữa lãnh đạo 2 nước ở Italia vào tháng 7-2009.
BÌNH YÊN (Theo THX, Itar-Tass, Kyodo)