.

Thế giới phản ứng về vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên

.

Sáng 25-5, hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên xác nhận, Bình Nhưỡng vừa tiến hành thành công vụ thử hạt nhân thứ hai. Trong khi đó, hãng Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, CHDCND Triều Tiên đã bắn thử tên lửa tầm ngắn chỉ vài giờ sau khi nước này tuyên bố thực hiện thành công một vụ thử hạt nhân.
 

 Mô hình tên lửa Scud-B của CHDCND Triều Tiên được trưng bày tại Đài tưởng niệm chiến tranh ở Seoul, Hàn Quốc.

CHDCND Triều Tiên khẳng định, đây là một phần của các biện pháp nhằm đẩy mạnh khả năng hạt nhân của Triều Tiên trong việc phòng vệ. Vụ thử sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước và chủ nghĩa xã hội, cũng như bảo đảm cho hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên cùng khu vực xung quanh.

Các nhà nghiên cứu địa chấn từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thông báo xảy ra chấn động ở khu vực phía đông bắc, nơi Bình Nhưỡng từng thực hiện một vụ thử hạt nhân vào năm 2006. Theo Cơ quan Nghiên cứu Địa chất Mỹ, vào lúc 7 giờ 54 sáng 25-5 (giờ Việt Nam), một cơn địa chấn 4,7 độ richter đã được ghi nhận ở đông bắc Triều Tiên. Cơn địa chấn có độ sâu 10km trong lòng đất, cách thành phố Kimchaek 70km về phía tây bắc. Tại Seoul, Học viện Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Hàn Quốc cũng thông báo về cơn địa chấn 4,5 độ richter ở Kilju thuộc tỉnh Hamgyong.

Lee Dong-kwan, phát ngôn viên văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định: “Một cơn địa chấn nhân tạo đã được phát hiện vào lúc 9 giờ 54 (giờ địa phương) sáng 25-5, gần bãi thử hạt nhân Poongkye-ri tại tỉnh Hamkyong Bắc của Triều Tiên”. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp về vụ việc này. “Chính phủ đang cố gắng xác định xem liệu đó có phải là một vụ thử hạt nhân hay không nhưng tin rằng, vụ thử là có khả năng”, ông Lee Dong-kwan nói.

Ngay lập tức, các nước Mỹ, Nhật Bản, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã có những phản ứng đầu tiên về vụ thử hạt nhân này. Mỹ đã bắt đầu cuộc tham vấn với các đồng minh sau động thái mới nhất từ Triều Tiên. Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi đã biết tin về vụ thử. Chúng tôi đang tham vấn với các đồng minh. Một khi chúng tôi xác minh được tin này, chúng tôi sẽ có thêm nhiều điều để nói”.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, hành động của Bình Nhưỡng “đang thách thức cộng đồng thế giới, làm gia tăng căng thẳng và đe dọa ổn định ở khu vực Đông Bắc Á”. Ông Obama nói, Washington sẽ làm việc với Hội đồng Bảo an LHQ và các nước tham gia đàm phán 6 bên để giải quyết vụ việc.

 Trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố sẽ có “hành động cứng rắn” đáp lại động thái mới nhất của Bình Nhưỡng, và cho biết sẽ yêu cầu triệu tập phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Takeo Kawamura nói: “Nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân, đây là hành động vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Điều này không thể chấp nhận được. Nhật Bản sẽ có hành động cứng rắn với Triều Tiên”. 

Phía Nga xác nhận, Triều Tiên có tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất và cho biết đang nghiên cứu và phân tích về diễn biến này. Theo đánh giá của Nga, lực của vụ nổ hôm 25-5 ở vào khoảng 20 kiloton, gấp hơn 20 lần lực của vụ nổ năm 2006. Thông tin này đã được nhiều chuyên gia có thẩm quyền xác nhận, từ Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
 
Theo báo cáo tình báo được hé lộ cho các chuyên gia, Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân tới mức có thể lắp chúng lên các tên lửa tầm trung. Khả năng mới nói trên có nghĩa là Triều Tiên đã vượt Iran trong cuộc đua về khả năng tấn công hạt nhân. Nó cũng làm thay đổi căn bản cán cân sức mạnh giữa quân đội của Triều Tiên với quân đội Hàn Quốc, Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái mới này của Triều Tiên dường như nhằm bảo đảm có được sự thừa nhận cuối cùng từ phía Mỹ rằng, họ là một cường quốc hạt nhân và đưa Washington đến bàn thương lượng.    

GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.