.
Tổng thống Obama đổi ý công bố ảnh tù nhân bị lạm dụng

An ninh quan trọng hơn tính minh bạch!

.

Với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Obama đã đổi ý công bố thêm ảnh lính Mỹ ngược đãi tù nhân, mặc dù việc “quay ngoắt” 180 độ ít có tiền lệ tại Nhà Trắng.

Ảnh tù nhân bị ngược đãi tại nhà tù Abu Ghraib. (Ảnh AFP)

Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố sẽ công bố 2.000 bức ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2006 tại các nhà tù của Mỹ ở Iraq và Afghanistan trước ngày 28-5 tới, theo yêu cầu của Hiệp hội Tự do nhân quyền Mỹ (ACLU). Việc làm này được đánh giá như là một phần của kỷ nguyên minh bạch mới. Tuy nhiên, hôm 13-5, ông Obama đã đột ngột tuyên bố, Nhà Trắng sẽ ngăn cản việc công bố đó và bảo vệ quyết định này tại tòa án.

Còn nhớ, những hình ảnh ngược đãi tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib, Iraq được công bố trước đây đã tạo nên những phản ứng phẫn nộ trên toàn thế giới: Tù nhân bị trùm đầu và phải đứng trên một chiếc hộp, như thể là sắp bị xử tử bằng điện. Kế đến là khuôn mặt hả hê của những lính Mỹ trong trò chơi do họ bày ra, hay sự sợ hãi của một tù nhân khi anh ta chỉ cách hàm răng của một con chó có vài centimét. Tuy nhiên, điều này không chỉ đơn thuần là chuyện hình ảnh nước Mỹ bị hoen ố, mà các phần tử cực đoan đã sử dụng những bức ảnh trên làm công cụ tuyển dụng những thành viên mới.

Theo Barack Obama, những bức ảnh mới sẽ không gây náo động dư luận như những bức ảnh ở Abu Ghraib. Tuy nhiên, các tư lệnh hiện nay của Mỹ tại Iraq và Afghanistan là Tướng Odierno và McKiernan đã phản ứng rằng, việc công bố thêm ảnh ngược đãi tù nhân sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của lính Mỹ. Rõ ràng là Tổng thống Obama đã bị sức mạnh của lý lẽ trên thuyết phục. Trên thực tế, kế hoạch công bố thêm các bức ảnh lạm dụng không phải là ý của Obama. Chính Hiệp hội Tự do nhân quyền Mỹ đã đưa vấn đề này ra tòa án, và cho rằng việc công bố những hình ảnh ngược đãi là vì lợi ích của công chúng.

Dường như ban đầu, ông Obama đã bị thuyết phục bởi nhu cầu minh bạch. Sự cởi mở luôn là một tiêu chuẩn của chính quyền mới. Có thể còn có những lý do khác làm cho việc công bố những bức ảnh mới có vẻ hấp dẫn, chẳng hạn như việc đó sẽ giúp đoạn tuyệt với quá khứ. Rốt cuộc thì việc lạm dụng không xảy ra dưới thời Obama. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là liệu việc đảo ngược quyết định đã công bố sẽ ảnh hưởng như thế nào? Rõ ràng, trong trường hợp này, an ninh quốc gia quan trọng hơn tính minh bạch.

Quyết định của Obama sẽ khiến một số người ủng hộ ông thất vọng. Tuy nhiên, ông sẽ biện minh bằng lý do an ninh quốc gia và tính mạng của lính Mỹ. Hơn nữa, hiện nay, nước Mỹ hầu như không muốn đòi công bố thêm các hình ảnh ngược đãi tù nhân, vì vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ hậu quả của lần công bố trước đây.

Đặc biệt, quyết định công bố tài liệu tra tấn đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, người cho rằng hành động đó làm cho nước Mỹ ít an toàn hơn. Như vậy, việc Tổng thống Obama “quay ngoắt” 180 độ có thể bị cáo buộc là thỏa hiệp với các nguyên tắc của bản thân.             

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.