Hôm 27-5, CHDCND Triều Tiên tuyên bố không tuân thủ hiệp định đình chiến chấm dứt Chiến tranh liên Triều 1950-1953 và cảnh báo khả năng đáp trả quân sự, sau khi Hàn Quốc tuyên bố tham gia Sáng kiến Phòng ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) do Mỹ khởi xướng. Tuyên bố nhắc lại quan điểm của Bình Nhưỡng rằng, việc Hàn Quốc tham gia PSI được coi là lời tuyên chiến.
Sóng chấn động đo được trong vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên lên tới 4,7 độ richter. |
Triều Tiên cũng loan báo, không thể bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền hoạt động ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này, cũng như “tình trạng pháp lý” của 5 hòn đảo Hàn Quốc gần khu vực biên giới tranh chấp liên Triều ở biển Hoàng Hải. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã phản ứng bình tĩnh và tuyên bố chưa có quyết định tăng quân đến khu vực bờ biển phía Tây này.
Quân đội vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình trong khi chuẩn bị cho mọi diễn biến bất ngờ nhất. Hàn Quốc trước đó chỉ có một quan sát viên trong PSI vì e ngại làm nước láng giềng phương Bắc bực mình, nhưng ngày 26-5 đã tuyên bố sẽ trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này - một ngày sau khi Triều Tiên loan báo thử hạt nhân thành công.
PSI do cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush khởi xướng năm 2003 và hiện có hơn 90 nước tham gia. Mục đích của PSI là nhằm kêu gọi các nước phong tỏa, ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí hủy diệt. PSI cho phép kiểm tra các tàu thuyền bị nghi ngờ chở vũ khí hủy diệt hàng loạt và giám sát các động thái của Triều Tiên, Iran và Syria.
Cùng ngày, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho biết, các vệ tinh do thám của Mỹ đã phát hiện hơi nước bốc lên từ một khu vực tái chế thuộc nhà máy hạt nhân chính Yongbyon. Những dấu hiệu này cho thấy, CHDCND Triều Tiên đã tái khởi động nhà máy hạt nhân chính của nước này. Trước đó, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ nối lại hoạt động tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng để lấy plutonium tại nhà máy Yongbyon, nhằm phản đối sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với vụ phóng thử tên lửa của nước này hôm 5-4. Bình Nhưỡng có khoảng 8.000 thanh nhiên liệu tại nhà máy Yongbyon. Nếu tái chế số thanh nhiên liệu này, Triều Tiên có thể sản xuất 6-8kg plutonium, đủ để chế tạo một quả bom nguyên tử.
Giải đáp cho những hành động trên của Triều Tiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, đó là đường lối được lặp lại nhiều lần trong quá khứ. Tuy nhiên lần này, cuộc khủng hoảng về người lãnh đạo kế nhiệm ở Triều Tiên là động cơ chính. Vụ thử hạt nhân thứ hai là một cuộc biểu dương sức mạnh nhằm thể hiện sự đoàn kết với quân đội có nhiều quyền lực ở Triều Tiên.
Sự ủng hộ của quân đội sẽ có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm cho quyết định lựa chọn người kế nhiệm của ông Kim, và chứng tỏ rằng ông Kim vẫn có khả năng lãnh đạo, ít nhất là hiện nay. Ngoài ra, vụ thử còn là đỉnh điểm của sự chuyển hướng sang một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn. Cụ thể là Triều Tiên hy vọng, vụ thử sẽ buộc Mỹ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, giống như Mỹ đã làm với Ấn Độ, và cuối cùng bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.
GIA HUY (Tổng hợp)