.

Ấm lại quan hệ Mỹ-Cu ba

.

Chính phủ Mỹ đã bắt đầu bộc lộ những phản ứng tích cực đối với những đề xuất mới đây của Cuba và các nước châu Mỹ Latin, làm dấy lên hy vọng rằng sự thù địch giữa hai nước - do cuộc cấm vận thương mại kéo dài nửa thế kỷ - có thể sẽ được hóa giải trong tương lai gần.

Những bãi biển hoang sơ gần thủ đô La Havana có sức thu hút mạnh du khách Bắc Mỹ và mới đây Mỹ đã phải bỏ lệnh cấm người dân đi du lịch Cuba.

Hồi cuối tuần qua, Chính phủ Cuba, qua con đường ngoại giao, đã trả lời một số đề nghị mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra gần đây. Chính phủ Cuba cho biết, họ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề người Cuba di tản sang Mỹ, nối lại dịch vụ bưu chính-viễn thông trực tiếp giữa hai nước sau nhiều thập niên bị ngưng trệ. Cuba cũng đồng ý hợp tác với Mỹ trong công cuộc chống khủng bố, ngăn chặn buôn lậu ma túy và cứu trợ nạn nhân thiên tai.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hoan nghênh các quyết định này và cho rằng, quan hệ tốt hơn giữa hai nước không chỉ đem lại lợi ích cho nhân dân Cuba mà cho cả nhân dân Mỹ. Hôm 1-6, bà Clinton đến El Salvador để dự lễ đăng quang của Tổng thống cánh tả mới được bầu Mauricio Funes và tân Tổng thống Funes đã không ngần ngại nói thẳng với bà Clinton rằng, một trong những quyết định đầu tiên của ông với tư cách Tổng thống El Salvador sẽ là khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba. Như vậy, Mỹ là nước duy nhất ở châu Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Cuba.

Hôm 2-6, bà Clinton tiếp tục đến Honduras dự hội nghị Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). Các nước thành viên OAS muốn bày tỏ một sự đoạn tuyệt với quá khứ bằng cách tái kết nạp Cuba - đã bị khai trừ vào năm 1962 dưới áp lực của Mỹ. Tuy nhiên, bà Clinton cho biết, Chính phủ Mỹ phản đối việc kết nạp này cho đến khi nào Havana chấp nhận những nguyên tắc dân chủ của OAS. Về phần mình, Chính phủ Cuba cũng cho biết họ không có hứng thú nào trong việc quay lại với OAS, một tổ chức mà nhật báo Granma của Cuba gọi là “căn nhà kho đổ nát của Washington”.

Người dân Cuba vẫn vậy sau 50 năm không có quan hệ ngoại giao-thương mại với Mỹ.

Việc tái kết nạp Cuba vào OAS vì vậy có thể chưa được thực hiện ngay, nhưng những động thái này cho thấy, Mỹ ngày càng lẻ loi trong cuộc bao vây chống Cuba kéo dài đã 50 năm - một chính sách mà nhiều nhà lãnh đạo Mỹ Latin cho là “lỗi thời và phản tác dụng”.

Hai tháng trước đây, Tổng thống Obama đã đi bước đầu tiên trên con đường hòa giải với Cuba bằng cách dỡ bỏ những hạn chế việc đi du lịch Cuba và gửi tiền kiều hối sang Cuba. Đầu tháng này, Mỹ tiếp tục đề nghị mở kênh đàm phán cao cấp với Havana thông qua những hội nghị về vấn đề di cư. Những nỗ lực này càng được đẩy mạnh sau khi ông Obama tuyên bố: “Mỹ đang tìm kiếm một sự mở đầu mới với Cuba” tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ tổ chức ở Trinidad vào tháng tư vừa qua.

Vấn đề người di tản đã bắt đầu được bàn bạc từ cuối thập niên 1990 khi xảy ra làn sóng người di cư vượt biển sang Mỹ. Các cuộc đàm phán bị ngưng lại vào năm 2003 dưới thời Tổng thống Mỹ George Bush, theo đó mọi kênh giao tiếp giữa hai chính phủ cũng bị cắt đứt. Chính quyền Obama thì cho rằng, nối lại đàm phán về vấn đề người di cư càng sớm càng tốt, bởi vì điều đó phù hợp với lợi ích của cả hai nước.

Thái Bình

 

 

;
.
.
.
.
.