.
Bầu cử Nghị viện châu Âu

Cơ hội để đo thực lực các chính đảng

.

Theo kết quả sơ bộ mới nhất vừa được Nghị viện châu Âu (EP) công bố, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu (EPP) giành được 267 ghế, trở thành nhóm lớn nhất trong EP gồm 736 ghế. Tiếp đến là phe xã hội với 159 ghế (giảm so với 215 ghế trước đây). Đảng Dân chủ Tự do đứng thứ ba, với 81 ghế, và đảng Xanh với 51 ghế. Số ghế còn lại thuộc nhiều đảng nhỏ khác.

Những người ủng hộ đảng Pirate của Thụy Điển ăn mừng trong đêm khi kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được công bố.

Kết quả này phản ánh thực tế là chính phủ của các đảng cánh tả tại Tây Ban Nha và Đức đang khó khăn để giành giật lá phiếu của cử tri, trong khi phe xã hội ở Pháp, Italia và Ba Lan đang rơi vào khủng hoảng. Nó cũng cho thấy, các đảng xã hội cầm quyền ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều đang “thất cơ” trước các đảng bảo thủ đối lập.

Theo nhận xét của nhà phân tích Jacki Davis của Trung tâm Chính sách châu Âu, lẽ ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các cử tri sẽ không bỏ phiếu cho các chính phủ đương nhiệm và các đảng cánh tả sẽ có kết quả bầu cử tốt hơn. Nhưng trên thực tế, các đảng cánh tả vẫn không có tầm nhìn và đưa ra thông điệp rõ ràng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhà nghiên cứu Hugo Brady thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu cho rằng, điểm nổi bật của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này không phải là việc các chính đảng nhỏ giành thêm ghế mà là phái trung tả trong cơn khủng hoảng. 

Nghị viện châu Âu đã có nhiều bước chuyển trong suốt 50 năm qua, từ một cơ quan lập pháp chỉ tư vấn và cho tới giờ là một tổ chức có quyền bỏ phiếu hoặc sửa đổi 2/3 tổng số luật lệ của Liên minh châu Âu (EU). Cơ quan này ngày càng đưa ra những quyết định mang tính sống còn về hàng loạt vấn đề, từ thay đổi khí hậu tới cước phí điện thoại di động. Nghị viện châu Âu có thể sửa đổi ngân sách của EU, khoảng 170 tỷ USD trong năm nay, và tổ chức các buổi điều trần để phê chuẩn những ứng viên cho Ủy ban châu Âu, ban điều hành EU và ban lãnh đạo ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Trong nhiệm kỳ 5 năm, Nghị viện châu Âu sắp mãn nhiệm đã thông qua 1.355 điều luật, từ giảm phí điện thoại di động, cấm đồ chơi nhiễm hóa chất độc, cấm nhập khẩu lông chó mèo tới hàng loạt vấn đề khác. Tuy nhiên, do tỷ lệ thất nghiệp cao trên khắp châu Âu, nhiều cử tri đã tỏ ra không hài lòng với tất cả các đảng chính thống và nghi kỵ khả năng thúc đẩy hồi phục của EU. Số cử tri đi bỏ phiếu giảm xuống 43-44%.

Các nhà quan sát cho biết, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu (EPP) có nhiều khả năng sẽ tiếp tục nắm quyền ở Nghị viện châu Âu. Ông Jose Munuel Barroso, người có khả năng sẽ giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ 2, sau những chiến thắng của phe trung hữu, đã cảm ơn các cử tri và khẳng định rằng, tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe.

“Về tổng thể, những kết quả đó là một chiến thắng không thể chối cãi với các đảng, các ứng viên ủng hộ dự án của châu Âu và muốn Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các chính sách nhằm đáp lại các lo ngại hằng ngày của họ”, ông Barroso tuyên bố. Một số đảng thiên hữu lập luận, kết quả trên đã chứng minh rằng, việc họ đã đúng khi ngần ngại chi thêm tiền để cứu các công ty và kích thích tài chính để chống lại khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong bầu cử Nghị viện châu Âu, cử tri đã chọn đại diện chủ yếu từ các đảng trong nước, những người này sau đó sẽ gia nhập những nhóm lớn hơn có cùng quan điểm từ các nước khác. Những nhóm lớn nhất trong vòng 5 năm qua là đảng trung hữu EPP, đảng thiên tả PES và đảng tự do ALDE. Số liệu tạm thời do EU đưa ra cho thấy, số lượng cử tri đi bỏ phiếu ở một số nước là thấp nhất trong mọi lần. Tại nhiều quốc gia, bầu cử Nghị viện châu Âu chỉ là dịp để đo lường thực lực của các chính đảng trong nước, chuẩn bị cho các cuộc bầu cử có tính chất địa phương như trường hợp tại Đức hay trường hợp của Chính phủ Gordon Brown tại Anh. 

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.