.
BẦU CỬ TỔNG THỐNG IRAN

Vẫn còn chia rẽ và bất đồng ở phía trước

.

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ có bài phát biểu gửi thông điệp hòa giải của Mỹ trực tiếp tới thế giới đạo Hồi, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội mới ở Libăng ngày 7-6 và bầu cử Tổng thống Iran ngày 12-6 được đánh giá là một trong những sự kiện có tác động lớn đến toàn bộ tiến trình hòa bình khu vực Trung Đông.

Với 62,6% số phiếu ủng hộ, Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad đã đắc cử nhiệm kỳ 2.

Những ai biết về vai trò của Iran và Libăng trong sự ổn định ở khu vực khó mà không đặt cạnh nhau hai cuộc bầu cử quan trọng nói trên. Chiến thắng của phe thân phương Tây ở Libăng là thất bại lớn của phong trào Hồi giáo Hezbollah được Iran hậu thuẫn, và tạo một cú hích cho chính sách hòa bình ở Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, việc Tổng thống đương nhiệm của Iran một lần nữa tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp, đặt nước Mỹ trước những thách thức mới trong chính sách hòa bình Trung Đông trong thời gian tới.

Kết quả bầu cử tại Iran cũng dự báo sẽ tạo ra căng thẳng tiếp theo với một số nước như Mỹ, Israel và châu Âu - những quốc gia đang theo dõi sát sao để xem liệu có manh mối nào cho thấy Iran sẽ thay đổi thái độ với phần còn lại của thế giới hay không. Chiến thắng của đương kim Tổng thống Mahmoud
Ahmadinejad chắc chắn sẽ gây khó chịu cho phương Tây, bởi ngay trước thời điểm bầu cử, ông Ahmadinejad còn tuyên bố ông sẽ kiên quyết giữ vững lập trường chống phương Tây.

Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại một sân vận động ở Tehran, ông nói: “Dân tộc Iran sẽ không chấp nhận sự thống trị của những cường quốc chuyên đi ức hiếp. Chúng ta sẵn sàng dẫn dắt tương lai của thế giới trái ngược với ước nguyện của một số nước”.

Kết quả bầu cử Tổng thống Iran:

Mahmoud Ahmadinejad: 62,6%
Hossein Mousavi: 33,8%
Mohsen Rezai: 1,7%

Mehdi Karroubi: 0,9%

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu: 85%

(Nguồn: Bộ Nội vụ Iran)

Còn nhớ trước đây, khi mới đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama từng tuyên bố, Iran sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của Mỹ và nước này sẽ thay đổi chính sách tiếp cận với Iran dưới thời lãnh đạo của ông. Ông bày tỏ sự lo ngại về việc Iran ủng hộ nhóm Hezbollah ở Libăng và chương trình làm giàu uranium gây tranh cãi của Tehran.

“Iran sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta. Như tôi đã nói trong chiến dịch vận động tranh cử, Iran không chỉ xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố thông qua Hamas, qua Hezbollah mà họ còn đang theo đuổi vũ khí hạt nhân. Hành động đó có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân”, ông Obama nói. Mặc dù khẳng định sẵn sàng đàm phán với Tehran, nhưng ông Obama vẫn không quên nhắc nhở nước này rằng: “Mỹ không cho phép Iran có vũ khí hạt nhân”.

Ngay cả cánh tay phải của ông, Phó Tổng thống Joseph Biden cũng khẳng định tại Hội nghị An ninh Munic đầu tháng 2 vừa qua rằng, “nếu Iran tiếp tục các chương trình hạt nhân, các biện pháp trừng phạt sẽ được tăng cường”.

Chính quyền Mỹ ngày 13-6 đã không chấp nhận chiến thắng áp đảo của đương kim Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và tuyên bố đang điều tra về những cáo buộc gian lận bầu cử. “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình tại Iran. Nhưng chúng tôi, cũng như thế giới, đang chờ đợi và theo dõi xem quyết định của người Iran”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói.

Vài phút sau tuyên bố của bà Clinton, Nhà Trắng cũng đưa ra một tuyên bố ca ngợi rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Iran lần thứ 10 này đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi và sự hăng hái đi bầu của cử tri, đặc biệt là các cử tri trẻ, nhưng cũng bày tỏ lo ngại trước các báo cáo về những điều bất thường trong cuộc bầu cử.

Theo kết quả chính thức do Ủy ban bầu cử Nhà nước Iran công bố, Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad đã giành chiến thắng áp đảo sau khi giành 62,6% số phiếu ủng hộ trong khi đối thủ chính Housein Mousavi chỉ giành được 33,8%. Cương lĩnh tranh cử của ông Amadinejad nhấn mạnh vào việc đấu tranh chống đói nghèo và tham nhũng. Trong bốn năm nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Amadinejad kiên trì đấu tranh chống lại mọi sức ép của Mỹ và phương Tây để bảo vệ quyền được tiếp tục các chương trình hạt nhân của Iran.

Ông chủ trương chính sách bảo đảm cho mọi người Iran đều được hưởng thụ nguồn tiền thu được từ việc bán dầu mỏ vốn là tài nguyên chung của dân tộc Iran. Tổng thống Amadinejad cũng là người có những phát biểu gây sốc chống người Do Thái, không công nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel, chống chính sách hiện nay của Mỹ đối với Iran và khu vực Trung Đông. Do đó, ông Amadinejad luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri quân đội, lực lượng vệ binh cách mạng, và truyền thông trong nước.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi được coi là nhà cải cách chủ trương thực hiện những chính sách trung thành với nguyên tắc của cách mạng Hồi giáo năm 1979. Cương lĩnh tranh cử của ông là cải thiện hình ảnh cực đoan của Iran trên trường quốc tế, thực hiện cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây, cải cách kinh tế trong nước. Ông chủ trương mở rộng hơn nữa tự do cá nhân ở Iran và chỉ trích việc Chính quyền Amadinejad áp dụng lệnh cấm các kênh truyền hình tư nhân. Tuy nhiên, cũng giống như các ứng viên khác, ông Mir Hossein Mousavi cũng chủ trương tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của Iran.

Theo lãnh tụ tối cao của Iran, Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, việc 85% cử tri đi bầu Tổng thống thực sự là một ngày hội lớn. Ông Khamenei đã kêu gọi người dân Iran, kể cả những ứng viên bị đánh bại, đoàn kết ủng hộ Tổng thống đắc cử Ahmadinejad. “Tổng thống đắc cử và được kính trọng là Tổng thống của tất cả người dân Iran và mọi người, trong đó có các ứng cử viên của ngày hôm qua, phải đồng lòng ủng hộ và giúp đỡ ông ấy”, ông Khamenei nói. Ông Khamenei cũng kêu gọi các cử tri bình tĩnh và tránh các hành động khiêu khích. 

 Tuy nhiên, ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào đêm thứ 6, ông Hossein Mousavi đã tổ chức một cuộc họp báo, tự khẳng định ông là người giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống. Ông Mousavi cũng không chấp nhận kết quả bầu cử do Ủy ban bầu cử Nhà nước Iran công bố. Đài Phát thanh Kol Israel dẫn tin đăng trên trang điện tử nhật báo Israel Ha’aretz sáng 14-6 nói rằng, ông Mousavi đã bị lực lượng an ninh Iran bắt giữ vì đã có những phản ứng gay gắt, kể cả việc kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình, xô xát với cảnh sát, làm ít nhất 3 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chính giới Iran chưa xác nhận cũng như không bác bỏ thông tin này.
 
Ông Mousavi đã chỉ trích các chính sách ngoại giao cứng rắn của Chính phủ, đặc biệt là những gì liên quan tới Israel. Ông Mousavi cho rằng, những chính sách đó khiến cả thế giới nhất trí chống lại Iran. Ông cáo buộc Tổng thống không thật thà về các số liệu phát triển kinh tế, xã hội cũng như những thống kê về thành tựu. Đồng thời, ứng viên Mehdi Karroubi, một ứng viên ủng hộ cải cách, lại nêu bật những thất bại của Tổng thống hiện nay trong việc tạo ra tự do trong xã hội. Trước những nguy cơ bất ổn đang diễn ra, kết quả bầu cử tại Iran dự báo sẽ còn gây ra nhiều căng thẳng và chia rẽ khá mạnh trong những ngày tới.

ĐOÀN LƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.