.
BIỂU TÌNH Ở IRAN:

Phe đối lập khó chiến thắng

.

Quyết định thông báo vội vã chiến thắng áp đảo dành cho Tổng thống đương nhiệm Iran Ahmadinejad đã dẫn tới làn sóng biểu tình phản đối rộng khắp chưa từng có tiền lệ trong suốt tuần qua, buộc lãnh tụ Khamenei phải ra lệnh điều tra các cáo buộc gian lận kiểm phiếu.

Bất chấp sự cứng rắn của cảnh sát, trên các đường phố và quảng trường lớn ở Tehran, những đoàn người vẫn tiếp tục tuần hành hô vang: “Những lá phiếu của chúng tôi đâu rồi?”.

Việc kiểm lại một số phiếu sẽ cho Lãnh tụ tối cao Khamenei thời gian, nhưng cuộc khủng hoảng mà những người đang nắm quyền phải đối mặt thì ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, khi bạo lực và các mối đe dọa không cản được người biểu tình, thì ứng cử viên thất cử Mousavi cũng không hề có dấu hiệu sẽ nhượng bộ.
 
Ông Khamenei đã lên tiếng chỉ trích chính phủ một số nước phương Tây về phản ứng của họ trước chiến thắng của Tổng thống Ahmadinejad. Vị Giáo chủ này nhắm tới cái mà ông gọi là các thế lực ngạo mạn và các lãnh đạo truyền thông ở Mỹ cùng một số nước châu Âu, khi nói rằng, họ đã lộ rõ bộ mặt thật của mình. Ông Khamenei cho biết, cuộc bầu cử là “một chấn động chính trị” đối với các kẻ thù của Iran.

Trong một thông điệp phát đi từ Nhà Trắng hôm 20-6, Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Iran hãy điều hành đất nước dựa vào sự đồng thuận chứ không phải bằng cách ép buộc. Các quyền cơ bản được tập hợp và tự do phát biểu cần phải được tôn trọng, và Mỹ đứng về phía tất cả những người nỗ lực sử dụng những quyền đó.
 
Mặc dầu trước đó chưa đầy một ngày, Obama tuyên bố, ông không muốn bị xem là can thiệp vào chuyện nội bộ của nước Cộng hòa Hồi giáo này, bởi điều đó có thể khuấy đảo tâm lý chống Mỹ bên trong Iran, đồng thời kích động những hành động chống lại người biểu tình. Đây là thông điệp thứ hai mà ông Obama đưa ra liên quan tới cuộc khủng hoảng bầu cử tại Iran.
 
Một số nhân vật thuộc phe Cộng hòa Mỹ cũng đã chỉ trích Tổng thống không công khai lên án chính phủ Iran. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh CBS hôm 19-6, nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Tôi rất quan ngại, trên cơ sở một số tuyên bố đã được đưa ra, và chính phủ Iran thấy rõ thế giới đang dõi theo họ. Và cách thức họ tiếp cận, đối xử bằng các biện pháp hòa bình đối với những người đang cố gắng nói lên nguyện vọng của mình, tôi nghĩ, đang phát đi một tín hiệu rõ ràng về họ tới cộng đồng quốc tế”.

Ở Washington, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với 405 phiếu ủng hộ/1 phiếu chống để tán thành một thông báo ủng hộ các cuộc bầu cử dân chủ và công bằng. Thông báo này lên án tình trạng bạo lực đang tiếp diễn và việc chính phủ Iran đàn áp các phương tiện truyền thông điện tử độc lập bằng việc can thiệp vào mạng Internet và điện thoại.

Tuy nhiên, Lãnh đạo tối cao Khamenei đã phát đi một lời cảnh báo nghiêm khắc gửi tới những người biểu tình, sau khi kêu gọi họ ngừng hành động và tuyên bố các lãnh đạo chính trị của họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ một diễn biến bạo lực nào. Trước các cáo buộc gian lận bầu cử, ông Khamenei khẳng định, nước Cộng hòa Hồi giáo không gian lận.
 
“Có 11 triệu lá phiếu khác nhau. Làm sao một người có thể gian lận được 11 triệu phiếu”, lãnh tụ tối cao Iran nhấn mạnh. Ông Khamenei dường như đang phải nỗ lực hết sức để đạt được một sự dàn xếp, thuyết phục ông Mousavi chấm dứt các cuộc biểu tình, trong khi vẫn để Tổng thống Ahmadinejad tại vị. Tuy nhiên, kết quả của cuộc đấu có thể sẽ phụ thuộc vào cách thức các bên tham gia thấy được sự cân bằng sức mạnh trên đường phố và trong các hội đồng quyền lực.

Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy phe đối lập chịu khuất phục. Hàng nghìn người vẫn đổ ra đường phản đối kết quả bầu cử, bất chấp bài phát biểu của Giáo chủ Khamenei mà trong đó ông kêu gọi phe đối lập ngừng biểu tình và tuyên bố các lãnh đạo biểu tình sẽ phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ một cuộc đổ máu nào nếu họ tiếp tục hành động.
 
Tình hình chung ngày càng trở nên nguy hiểm và khó đoán trước bởi cuộc bầu cử và hệ quả của nó dường như đã làm tất cả các bên ngạc nhiên, buộc họ phải hành động ứng biến trước tình hình vốn đang thay đổi nhanh chóng. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và Lãnh tụ tối cao Khamenei có vẻ như đang bị đẩy lùi trước làn sóng ủng hộ ứng viên đối lập Mousavi.

Cho dù khung cảnh hiện nay trên đường phố Iran rất căng thẳng, không chắc sẽ lặp lại một cuộc cách mạng thành công như năm 1979. Bởi hiện nay, các lực lượng an ninh chủ chốt của Iran vẫn ủng hộ ông Ahmadinejad. Không những thế, trong khi phe đối lập thu hút đông đảo người hưởng ứng, vẫn có hàng triệu người Iran ủng hộ Tổng thống Ahmadinejad. Vì vậy, ngay cả khi chính phủ không thể ngăn chặn được phe đối lập, thì phe đối lập cũng khó có khả năng phá vỡ được chính phủ.  

GIA HUY

;
.
.
.
.
.