.

Cánh cửa vào đại học ở Trung Quốc

.

Suốt năm ngoái, Lưu Kỳ Chiêu (Liu Qichao) chỉ tập trung vào một việc duy nhất: luyện thi đại học. Mỗi ngày học từ 14 đến 16 tiếng đồng hồ, cứ ba tuần được nghỉ một ngày, cậu nỗ lực hết sức với hy vọng vượt qua được kỳ thi sẽ quyết định số phận của hơn 10 triệu học sinh Trung Quốc mỗi năm.

Một học sinh (mang kiếng) lo lắng ra mặt trước giờ thi đại học hôm chủ nhật 7-6 vừa qua.

Cho đến tận ngày thi (7 – 9-6-2009), Lưu vẫn chưa rời đống sách vở. “Tôi muốn học đến phút cuối cùng. Tôi thật tình hy vọng mình sẽ thành công”, cậu nói.

*

Trung Quốc đang thay đổi với tốc độ chóng mặt nhưng có những thứ không bao giờ thay đổi, chẳng hạn như ăn cơm bằng đũa và thi vào đại học. Người Trung Quốc ví kỳ thi này với cảnh đoàn hùng binh 1 vạn người cùng 10 con ngựa chen nhau qua cây cầu ván.

Kỳ thi tuyển sinh mỗi năm chỉ tổ chức một lần và điểm thi là căn cứ duy nhất để xét chọn vào các trường đại học và cao đẳng; số thí sinh trúng tuyển chỉ chiếm khoảng 60% số người dự thi.

Các bậc cha mẹ đã làm mọi cách để con cái giành được điểm cao. Ở tỉnh Tứ Xuyên, nhiều học sinh trước ngày thi đã được đưa vào bệnh viện, vừa học bài vừa thở ô-xy để đầu óc được minh mẫn và tập trung cao. Một số nữ sinh uống thuốc ngừa thai để tránh bị hành kinh trong những ngày thi cử. Những gia đình khá giả thì hứa cho con những phần thưởng kếch xù nếu chúng lọt vào được các đại học hàng đầu, như các chuyến du lịch ngoại quốc, tiệc tùng hoặc tiền mặt lên tới mười vạn nhân dân tệ (vài trăm triệu đồng VN). Trần Kỳ Ứng, một cô bé 17 tuổi dự thi ở Bắc Kinh, khoe: “Cha tôi hứa nếu tôi được vào đại học Nankai ở Thiên Tân tôi sẽ được thưởng một chiếc xe Audi”. Bên ngoài phòng thi, các bậc cha mẹ cũng lo lắng từ giờ này sang giờ khác, giống như những ông chồng chờ vợ ở nhà hộ sinh. Đi trễ là một thảm họa. Năm 2007 có một học sinh bị cấm thi vì đến phòng thi trễ 4 phút, cho dù cô bé và bà mẹ đã quỳ xuống đất vái lạy ông giám thị để xin lỗi.

Gian lận thi cử là chuyện phổ biến. Năm ngoái, một nhóm phụ huynh trang bị cho con những chiếc tai nghe nhỏ xíu, đút lót để các giám thị “fax” đề thi ra ngoài rồi truyền bài giải vào phòng thi cho con qua điện thoại di động. Một ông bố khác đã thuê đến 9 giáo viên túc trực để giải bài thi gửi vào cho con. Theo số liệu, kỳ thi năm ngoái có 2.645 vụ gian lận bằng công nghệ cao bị phát hiện. Năm nay, chỉ riêng tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, cảnh sát đã phát hiện 29 trường hợp gian lận thi cử nghiêm trọng, tịch thu 683 bộ thiết bị thu phát sóng và bắt giữ 34 người, trong đó có 2 nữ giáo viên trung học.

*

Giới nghiên cứu cho rằng, kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc biểu hiện những khiếm khuyết của một hệ thống giáo dục đặt nặng việc ghi nhớ hơn là suy nghĩ độc lập và tính sáng tạo. Các nhà giáo thì cho biết, học sinh ở nông thôn bị thiệt thòi hơn học sinh thành thị, và chất lượng giáo dục đại học bị thả nổi để chạy theo số lượng. Nhưng sự say mê khoa cử cũng có mặt tốt: năm nay, số thí sinh dự thi tăng hơn 5 triệu người so với năm 2002, dù lượng thí sinh năm nay ít hơn năm ngoái và là lần sụt giảm đầu tiên trong 7 năm qua. Hiện thời, Trung Quốc có 1.900 trường đại học và cao đẳng, tăng gấp đôi so với năm 2000 với hơn 19 triệu sinh viên theo học, tăng gấp 6 lần chỉ trong một thập niên.

Cậu học sinh Lưu Kỳ Chiêu, 19 tuổi, có thể là người đầu tiên của dòng họ được đặt chân vào đại học. Cha cậu, ông Lưu Tiêu, học xong phổ thông năm 1980 rồi làm người buôn bán máy dệt vải, ôm ấp ước mơ sẽ cho con trai vào một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.

Nhưng tháng 6 năm ngoái cậu thi trượt, chỉ được 432 điểm, không đủ để vào một trường đại học hạng hai. “Tôi lo lắng đến nỗi suốt kỳ thi đầu óc cứ trống rỗng”, cậu Lưu nói và cho biết cậu đã khóc suốt nửa tháng sau đó, trong lúc bà mẹ thì không ngừng chửi mắng. “Ngần ấy năm tao nuôi mày, nấu cơm giặt áo cho mày mà mày chỉ đạt từng ấy điểm thôi sao?”, bà mẹ chì chiết.

Nhưng rồi gia đình họ Lưu có một kế hoạch mới: cậu phải vào một trường luyện thi nội trú tổ chức theo kiểu trại lính ở Thiên Tân, toàn tâm toàn ý lo học hành và thi lại vào năm nay. Dù học phí của trường không hề rẻ - 38.500 nhân dân tệ, tức khoảng 100 triệu đồng VN cho một năm học – trường này lại có rất nhiều học sinh. Lý Diên An, một cô bé vui tính 18 tuổi dự đoán, khoảng 1/4 số học sinh của trường là “học sinh thi lại”.

Kỷ luật ở trường này rất khắc nghiệt. Có lần điện thoại của cô bé Lý reo chuông trong giờ học và thầy giáo đã thẳng tay đập nó vào lò sưởi vỡ tan. Lớp học liên tục ba tuần mới nghỉ một ngày. Buổi sáng, học sinh thường được ăn điểm tâm bánh mì ốp-la: một ổ bánh mì dài đặt cạnh hai quả trứng, tạo hình con số 100 để cầu mong cho các em đạt kết quả 100% trong kỳ thi sắp tới.

Bên ngoài, phụ huynh học sinh cũng hồi hộp không kém con em trong phòng thi.

.

Sau khi hoàn tất ba ngày thi căng thẳng, học sinh được đối chiếu bài làm của mình với đáp án của sở giáo dục và cùng với thầy cô giáo bắt đầu tính toán số điểm đạt được. Cậu Lưu tính ra, năm nay cậu có thể tăng hơn năm ngoái khoảng 100 điểm, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu vào các trường đại học hàng đầu. Dẫu sao, cậu cũng hy vọng sẽ có thêm điểm ưu tiên, dựa theo sắc tộc và địa bàn cư trú. Còn cô bé Lý tính ra được khoảng 482,5 điểm, đủ để vào một trường cao đẳng hạng hai.

Nhưng đến tối thứ tư vừa qua, cả hai cô cậu đều vui mừng vì số điểm ưu tiên năm nay được ấn định cao hơn năm ngoái. Và nhờ vậy, cậu Lưu đủ điểm vào một trường đại học hàng đầu, còn cô Lý cũng thừa 5 điểm so với điểm sàn của một trường cao đẳng hạng hai.

Trước lúc đi thi, cô Lý được mẹ nhắn nhủ rằng, đây là lần thi đại học cuối cùng của cô, nếu không đạt thì sẽ không được thi nữa, dù cô có quỳ gối van xin cũng mặc. Nhưng khi đã nắm chắc phần thắng lợi, cô bé Lý đã vội lên mặt: “Bây giờ, nếu mẹ tôi quỳ xuống van xin, tôi cũng chẳng bao giờ thèm dự thi lần nữa”.

THÁI BÌNH

;
.
.
.
.
.