.

Chính trường Thái Lan: Giông tố lại nổi lên

.

Sau chưa đầy hai tháng tạm lắng, chính trường Thái Lan lại bắt đầu nóng lên bằng các cuộc biểu tình lớn trở lại của phe áo đỏ thuộc Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin.

Những người biểu tình áo đỏ tuần hành ở Sanam Luang.

Đặc biệt, các cuộc biểu tình lần này chỉ xảy ra một ngày sau khi Ủy ban bầu cử Thái Lan phê chuẩn một đảng mới do phong trào biểu tình của những người áo vàng thành lập, trước đây là Liên minh nhân dân vì Dân chủ (PAD) chống Thaksin. Những diễn biến mới này lại thổi bùng lên một ngọn lửa mới có thể buộc Thủ tướng Abhisit phải áp đặt tình trạng khẩn cấp thêm một lần nữa.

Những người biểu tình cho rằng, hiến pháp hiện nay của Thái Lan trao quá nhiều quyền hành cho các thẩm phán, các quan chức và các cố vấn của quốc vương, so với các vị dân cử. Phe áo đỏ cũng tuyên bố, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva không có tính chính đáng, vì ông đã lên cầm quyền sau khi tòa án ra lệnh giải tán đảng cầm quyền thân Thaksin trước đây, và họ tuyên bố sẽ tiến hành thêm 3 cuộc biểu tình quy mô lớn nữa ở thủ đô Bangkok để gây áp lực với Chính phủ. Cảnh sát Thái Lan cho biết, khoảng 27.000 người áo đỏ đã tham gia cuộc biểu tình ở Sanam Luang, Bangkok, từ chiều hôm 27-6. 

Thủ lĩnh UDD Jatuporn Prompan khẳng định, UDD tổ chức các cuộc biểu tình nhằm gây áp lực buộc Chính phủ liên minh do đảng Dân chủ đứng đầu phải giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử. Ba cuộc biểu tình sẽ được tổ chức tại Tượng đài Dân chủ, Bộ Tư lệnh Tối cao (Supreme Command) và Văn phòng Chính phủ. Phe áo đỏ sẽ không bỏ cuộc, ngay cả khi có sự hăm dọa từ Chính phủ. Trong khi đó, người phát ngôn đảng Dân chủ, Buranat Samutharak đã bác bỏ cáo buộc của đảng Puea Thai và thủ lĩnh UDD rằng, Chính phủ và quân đội đang đứng sau một âm mưu triệt phá UDD. 

Trước đó, tối 27-6, UDD tuyên bố sẽ xin Hoàng gia ân xá để đưa về nước cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin đã có bài phát biểu với đám đông qua đường điện thoại để cảm ơn những người ủng hộ và kêu gọi họ không bỏ cuộc. Ông cho biết, ông “muốn trở về quê hương”. Ý kiến này cũng đã được những người biểu tình ủng hộ. 

Trước tình hình đang ngày có chiều hướng căng thẳng, Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Suthep Thaugsuban tuyên bố, Chính phủ Thái Lan sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu cuộc biểu tình chống Chính phủ của phe áo đỏ thuộc UDD biến thành bạo lực. Ông cũng bày tỏ tin tưởng, Chính phủ sẽ kiểm soát được tình hình, trong khi giới quan sát trong nước cho rằng, khó có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra. Ông Suthep nói: “Tôi đã dự thảo một tuyên bố. Nó có thể lập tức được loan báo nếu cuộc biểu tình của phe áo đỏ vượt ra ngoài tầm kiểm soát”. 

Phó Thủ tướng Suthep đã trao quyền cho Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Tướng Phatcharawat Wongsuwan giám sát tình hình khi ông và Thủ tướng Abhisit Vejjajiva có các chuyến công du nước ngoài, ông Suthep sẽ thăm Campuchia còn Thủ tướng Abhisit đang ở thăm Trung Quốc. Cảnh sát đã được lệnh kiểm soát cuộc biểu tình của UDD với số người tham dự ước tính lên đến 50.000 người.
 
Cảnh sát trưởng thủ đô Bangkok, Tướng Worapong Chiewpreecha tuyên bố, sẽ viện đến hành động pháp lý để chống lại những người biểu tình áo đỏ, nếu họ có động thái kích động và phong tỏa các tuyến đường dẫn đến khu Văn phòng Chính phủ.

Trong khi đó, người phát ngôn quân đội, đại tá Sansern Kaewkumnerd thông báo, cảnh sát thành phố đã yêu cầu quân đội triển khai binh sĩ đến các tuyến đường để hỗ trợ cảnh sát trong trường hợp tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Quân đội đã đồng ý bố trí 2.400 binh sĩ đến hỗ trợ cảnh sát bảo vệ các cơ quan Chính phủ quan trọng, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ. Quân đội sẽ chỉ được vũ trang bằng dùi cui và khiên bảo vệ.

Phát biểu khi đang ở thăm Bắc Kinh (Trung Quốc), Thủ tướng Abhisit tuyên bố phe áo đỏ có thể tiến hành biểu tình đến khi nào mà họ muốn, miễn là họ không vi phạm luật pháp. Nếu người biểu tình phạm luật, Chính phủ sẽ viện đến hành động pháp lý chống lại họ. Theo ông Abhisit, yêu sách của phe này đòi Chính phủ giải tán là không chính đáng, vì hiện Chính phủ đã thành lập Ủy ban tiến hành cải cách chính trị.

Như vậy, chỉ chưa đầy 2 tháng tạm lắng, những người ủng hộ ông Thaksin lại đổ về thủ đô để đòi chính quyền hiện giờ từ chức. Mâu thuẫn căn bản là bất đồng giữa những người giàu ở thủ đô và tầng lớp nghèo ở nông thôn. Sau khi ông Thaksin bị hạ bệ, một cuộc bầu cử dân chủ đã diễn ra vào cuối năm 2007, bản thân ông Thaksin không được tham dự nhưng liên minh của ông lại chiến thắng vì đa số dân nghèo ủng hộ ông. Cái vòng luẩn quẩn này cho thấy rõ, nền chính trị Thái Lan hiện giờ đang lâm vào bế tắc bởi cái mâu thuẫn chưa thể giải quyết được: Người nghèo bỏ phiếu lập nên Chính phủ nhưng người giàu lại có thể phá bỏ nó.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, giải pháp duy nhất lúc này là tổ chức bầu cử. Nhưng nếu điều đó diễn ra, nhiều khả năng phe của ông Thaksin lại thắng cử. Và cũng nhiều khả năng họ sẽ lại không nắm được quyền lâu. Nếu định nghĩa “dân chủ” là chính quyền của dân, do dân và vì dân như Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói, thì tại sao một đảng và các liên minh của nó như đảng của ông Thaksin đã 3 lần thắng cử lại không thể nắm chính quyền? Với lý luận như thế, họ sẽ tiếp tục đấu tranh và chính trường Thái Lan lại tiếp tục đứng trước những cơn giông tố mới.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.