.

Cuba không muốn gia nhập OAS

.

Trong một động thái chính thức, Cuba đã bày tỏ quan điểm không muốn gia nhập Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS). Quan điểm của Cuba được đưa ra chỉ vài ngày sau khi OAS dỡ bỏ lệnh cấm gia nhập và mở đường cho Cuba trở lại làm thành viên bất chấp những phản đối ban đầu của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) tại câu lạc bộ Honduran-Arabic ở San Pedro Sula, Honduras.

Theo một thông cáo được đăng tải trên tờ là Granma, Chính phủ Cuba hiện “đã hài lòng với tình trạng chủ quyền và cộng đồng hiện tại” và “sẽ không gia nhập OAS”. Cuba từng tuyên bố, việc trở lại OAS không đem lại lợi lộc gì cho họ vì OAS là một công cụ của Mỹ.
 
Một quan chức ngoại giao nước này cho biết, việc thay đổi quyết định khai trừ Cuba ra khỏi OAS là một dấu hiệu tốt, đáng khích lệ với tổ chức này, nhưng “Cuba chưa có ý định gia nhập lại OAS”. Các nhà quan sát thì cho rằng, với quyết định này, OAS đang ngày càng gây áp lực lên Mỹ nhằm tiến tới một bước xa hơn là buộc Mỹ phải dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với chính quyền Havana.

Qua hai ngày hội nghị, người ta thấy rõ các nước thành viên OAS đang muốn tách dần khỏi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và đây sẽ tạo một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Washington và khu vực Mỹ Latinh. OAS là tổ chức liên chính phủ khu vực Mỹ Latinh, có trụ sở đặt ở Washington của Mỹ, gồm 34 thành viên là các quốc gia độc lập ở châu Mỹ. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Pháp. Tổng Thư ký là ông José Miguel Insulza, quốc tịch Chile. Đây là tổ chức quốc tế lâu đời nhất của các quốc gia trong cùng một khu vực.

Ý niệm có một tổ chức hợp tác ở Tây bán cầu được đề ra trước tiên bởi Simón Bolivar tại Hội nghị Panama vào năm 1826, nhằm tạo một liên minh các nền cộng hòa ở châu Mỹ trong một hiệp ước liên minh hợp tác quân sự và một nghị viện chung để bảo vệ các nước châu Mỹ Latinh chống lại áp lực chi phối từ bên ngoài. Tại Hội nghị đó có đại diện của Gran Colombia (nay là các nước Colombia, Ecuador, Panama, và Venezuela), Peru, Mexico và Liên hiệp các tỉnh Trung Mỹ nhưng chỉ riêng Gran Colombia xúc tiến phê chuẩn.

Tuy nhiên, ý tưởng này không được thực hiện vì sau đó là nội chiến ở Gran Colombia. Mãi đến năm 1889-1890, tại Hội nghị quốc tế các quốc gia châu Mỹ lần thứ nhất ở Washington, 18 nước đã quyết định thành lập Liên hiệp Quốc tế các cộng hòa châu Mỹ, năm 1890 được xem là năm khởi điểm của OAS. Tháng 5-1948, tại Hội nghị liên Mỹ lần thứ 9, OAS được thành lập thay cho Liên hiệp Quốc tế các cộng hòa châu Mỹ được thành lập từ thế kỷ trước. Hiện nay, tổ chức này bao gồm 34 nước thành viên.

Mục đích của OAS là củng cố hòa bình và an ninh, ngăn ngừa những mối bất đồng và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, hành động chung trong trường hợp bị xâm lược, thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và pháp lý của các nước châu Mỹ; thống nhất sự cố gắng vì tiến bộ kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Hiến chương của OAS là “Châu Mỹ của người châu Mỹ”, “Đoàn kết liên Mỹ”, “Phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước châu Mỹ”. Hiện nay, các nước Mỹ Latinh mong muốn Mỹ nhanh chóng cải thiện quan hệ và bãi bỏ cấm vận đối với Cuba.

GIA HUY (Theo AP, BBC, AFP)

;
.
.
.
.
.