.

Dịch cúm A/H1N1 có thể thành đại dịch

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới đang bên bờ đại dịch cúm A/H1N1 và cho biết, họ đang chuẩn bị thông báo cho các nước nâng báo động lên mức cao nhất.

Nhân viên y tế đang kiểm tra thân nhiệt một người bị nghi nhiễm cúm A/H1N1.

Ông Keiji Fukuda, trợ lý Tổng giám đốc WHO cho biết: “Chúng ta ở rất, rất gần với đại dịch” sau khi có sự lây lan ở cấp cộng đồng tại bang Victoria ở Australia. Theo chỉ dẫn của WHO, một tiêu chuẩn quan trọng để công bố đại dịch sẽ là xác định sự lây bệnh trong cộng đồng tại một quốc gia nằm ngoài vùng đầu tiên mà bệnh dịch được công bố. Trong trường hợp này, đại dịch sẽ được công bố, nếu có lây lan ở cấp cộng đồng ngoài các nước châu Mỹ. WHO hiện vẫn duy trì cảnh báo ở mức 5 trong thang cảnh báo 6 bậc, theo đó, đại dịch là sắp xảy ra.

Theo ông Fukuda, việc nâng cảnh báo lên mức 6 có nghĩa là virus vẫn tiếp tục lây lan và sự lan truyền đã diễn ra ở ít nhất hai vùng trên thế giới. Điều đó không có nghĩa là sự trầm trọng của bệnh đã tăng lên. Khi được hỏi liệu tình hình ở

Australia, nơi có 1.211 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 được ghi nhận, có phải là lý do dẫn đến việc nâng cảnh báo hay không, ông Fukuda trả lời, thế giới đang rất, rất gần tới một đại dịch. Nếu đúng như vậy, thì đây sẽ là cảnh báo đại dịch đầu tiên trong vòng 4 thập kỷ qua. Hơn 1.200 người đã bị nhiễm virus cúm A/H1N1 tại Australia, tăng gấp 4 lần trong vòng 1 tuần. Chưa đầy 1 tháng trước đó, Australia chỉ có vài trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, nhưng giờ trở thành nước có số người nhiễm dịch lớn nhất bên ngoài Bắc Mỹ.
 
Victoria và Melbourne là hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 1.000 trường hợp được khẳng định nhiễm cúm, mặc dù hầu hết chỉ bị nhẹ. Không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Tuy nhiên, Paul Lucas, người đứng đầu cơ quan y tế Queensland cảnh báo, người dân không thể coi thường.  

Ông Fukuda cho biết: “Thông báo thay đổi mức cảnh báo... không đơn thuần là đứng trước máy quay của giới truyền thông hay đưa ra thông báo. Đó thực sự là một cách chuẩn bị cho thế giới đối mặt với tình hình. Còn rất nhiều việc phải làm”. Những việc cần làm bao gồm bảo đảm cho các nước có đủ thông tin và những gì cần thiết để chăm sóc số bệnh nhân tăng lên, cũng như giải đáp những thắc mắc của công chúng.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan đã có thông điệp trấn an và đề nghị Chính phủ các nước không vì lo lắng quá mức mà có những phản ứng thái quá, gây hoảng loạn ở các nước. Từ trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ, bà Chan phát biểu: “Điều cần làm với mỗi nước bây giờ là phải có những kế hoạch sẵn sàng để đối phó với dịch cúm. Cần rà soát lại tất cả các kế hoạch đối phó và chỉnh sửa cho phù hợp nếu cần. Về việc công bố đại dịch, vẫn chưa có quyết định cuối cùng”.

Hiện, WHO đang gửi các thông tin cập nhật về tình hình cúm A/H1N1 tới các nước trên thế giới. Theo báo cáo từ 73 quốc gia có người nhiễm bệnh, hiện trên toàn thế giới có 25.563 người nhiễm cúm, gồm cả 140 người đã thiệt mạng.

BĂNG CHÂU (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.