.

Đối thoại Shangri-La:Các nước cần có trách nhiệm hơn với an ninh khu vực

.

Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 8 tại Singapore, còn gọi là “Đối thoại Shangri-La”, đã kết thúc tốt đẹp sau khi các bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao đến từ 27 nước cùng kêu gọi các nước đưa ra các giải pháp hợp tác và hòa bình cho những thách thức an ninh mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang và sẽ phải đối mặt.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Myanmar Aye Myint phát biểu tại Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 8 ở Singapore.

Tại hội nghị, Thủ tướng Australia Kevin Rudd khẳng định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tầm quan trọng về địa chiến lược và địa kinh tế. Phần lớn trang lịch sử quan trọng của thế kỷ 21 sẽ được viết, được định hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trọng tâm địa chiến lược và địa kinh tế toàn cầu đang chuyển dần sang châu Á-Thái Bình Dương, do đó các nước trong khu vực cần có trách nhiệm hơn đối với cả khu vực và thế giới.

Việc điều chỉnh hiệu quả mối quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai chung. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng cho biết, Mỹ vui mừng trước sự lớn mạnh của châu Á trong vài thập niên qua. Ông tuyên bố cam kết của Washington đối với khu vực vẫn mạnh mẽ như trước và nói thêm rằng, sự thịnh vượng của Mỹ ngày càng liên quan chặt chẽ tới khu vực này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Teo Chee Hean nói rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thúc đẩy một tiêu chuẩn đối thoại và chấp nhận các cơ chế luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Theo ông, các nước ở châu Á - Thái Bình Dương có một cơ hội thực sự để xây dựng lòng tin và mở rộng hợp tác, vì lợi ích của tất cả các bên.

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã trở thành chủ đề chính của hội nghị. Phát biểu tại một cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tái khẳng định, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với các quốc gia khác sẽ tăng cường hợp tác để nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Theo ông Gates, chính sách của Mỹ là không thay đổi. Washington không chấp nhận CHDCND Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
 
Ông Gates cảnh báo, vụ thử hạt nhân và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. Các động thái của Bình Nhưỡng có thể khiến các nước châu Á khác có các “hành động tự vệ” và điều đó sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với toàn khu vực. Ông Gates nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác trong các vấn đề an ninh và duy trì quan hệ quân sự minh bạch thông qua các kênh thông tin và tiếp xúc cởi mở, bền vững giữa hai bên.
 
Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các bên bình tĩnh trước những động thái cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị phóng tên lửa tầm xa. Bán đảo Triều Tiên cần hướng tới phi hạt nhân hóa và hy vọng các bên liên quan sẽ thực hiện các biện pháp thận trọng để giải quyết vấn đề.

Về vấn đề an ninh tại Afghanistan, Bộ trưởng Gates kêu gọi các đồng minh châu Á tăng cường hỗ trợ về mặt quân sự, cũng như các nỗ lực tái thiết quốc gia Nam Á này. Ông thừa nhận những thách thức ở Afghanistan còn rất lớn, nên cần sự phối hợp hành động của tất cả các quốc gia. Theo thông tin từ

Thủ tướng Rudd, cuối năm nay, Australia sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy ý tưởng thành lập một diễn đàn mới với khái niệm Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương (APC), bao gồm các nước châu Á và Mỹ. Theo ông Rudd, APC sẽ hỗ trợ tiến trình hội nhập kinh tế và tài chính giữa các nước thành viên, đồng thời khuyến khích sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh, bao gồm cả vấn đề minh bạch quân sự.

BĂNG CHÂU (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.