.

Hội đồng Bảo an LHQ sẽ sớm ra nghị quyết về Triều Tiên

.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Baki Ilkin, người vừa tiếp quản chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ từ Nga, cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ nhận được bản dự thảo nghị quyết về CHDCND Triều Tiên trong tuần này. Ông Baki Ilkin nói: “Tôi đã được thông báo về những gì đang diễn ra. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm nhận được văn bản dự thảo. Tôi không biết “sớm” là khi nào, nhưng tôi hy vọng sẽ có được nó trong tuần này”.

Các phóng viên Hàn Quốc đang phỏng vấn đặc phái viên của Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên Stephen Bosworth (ngồi) trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Hàn Quốc Wi Sung-lac tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 3-6.

Cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ đã bắt đầu các cuộc bàn bạc về dự thảo nghị quyết từ ngày 28-5. Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã cam kết sẽ đưa ra phản ứng cứng rắn với Bình Nhưỡng.

Đại sứ Ilkin tiết lộ, các nước thường trực cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc đang bàn bạc việc áp đặt các biện pháp “có tác động” và cuối cùng sẽ đưa CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên về giải giáp hạt nhân. Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an có trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hội đồng có 15 thành viên, gồm 5 nước thường trực và 10 nước được Đại hội đồng bầu trong nhiệm kỳ 2 năm.

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, các hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy, CHDCND Triều Tiên đã chuyển một tên lửa đạn đạo tầm xa tới cơ sở  thử nghiệm Dongchang-ni mới xây dựng ở bờ biển phía tây đất nước, gần Trung Quốc.

Quả tên lửa trên đã được vận chuyển tới nơi bắn thử bằng tàu hỏa và việc phóng nó có thể cần tới hơn một tuần chuẩn bị. Yonhap trích dẫn một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc tiết lộ thêm rằng, Bình Nhưỡng cũng đang chuẩn bị đưa ít nhất 3 tên lửa tầm trung lên bệ phóng tại căn cứ thử nghiệm Kittaeryong ở bờ biển đông nam CHDCND Triều Tiên, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 100 km.

Kittaeryong nằm ở hạt Anbyon thuộc tỉnh Gangwon - tỉnh nằm dưới sự chia tách quản lý của cả hai quốc gia láng giềng, vốn về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, do cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tin rằng, Bình Nhưỡng hiện đang sở hữu khoảng 800 tên lửa, trong đó bao gồm một số quả - về mặt lý thuyết - có thể tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam, cách CHDCND Triều Tiên gần 3.000km. Hàn Quốc và Mỹ mới đây đã nhất trí tăng cường hoạt động giám sát chung đối với CHDCND Triều Tiên lên mức cao nhất, kể từ năm 2006.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục dâng cao khi nhà chức trách Hàn Quốc, hôm 2-6, đã triển khai một tàu hải quân cao tốc, có trang bị các tên lửa dẫn đường tới vùng biển giáp ranh với CHDCND Triều Tiên ở Hoàng Hải. Theo một tuyên bố của hải quân Hàn Quốc, động thái này nhằm trừng phạt ngay lập tức bất kỳ hành động hiếu chiến nào của nước láng giềng tại khu vực. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên được cho là đang đẩy mạnh các cuộc tập trận hải quân gần đường biên giới biển phía tây với Hàn Quốc. 
                  
BĂNG CHÂU (Theo Yonhap, AFP, Bloomberg, THX)

;
.
.
.
.