.

Indonesia: Chống tham nhũng gặp khó

.

Tòa chống tham nhũng của Indonesia đã đưa nhiều quan chức của nước này vào nhà lao. Nhưng chính sự tồn tại của nó – vũ khí hùng mạnh nhất trong cuộc chiến chống tham ô, lãng phí - hiện đang bị đe dọa.

Tổng  thống  Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono  lên cầm quyền với cam kết chống tham nhũng triệt để.

Các chính trị gia, những người sợ hãi tòa này nhất, đang tìm cách can thiệp vào công việc của các thẩm phán, thậm chí tìm cách đóng cửa vĩnh viễn cơ chế pháp lý độc đáo này. Điều đó đe dọa nỗ lực của một trong những chiến dịch chống tham nhũng thành công nhất ở một quốc gia Đông Nam Á nhiều năm liền bị xếp hạng tham nhũng nhất thế giới.

Ở Indonesia, nạn tham nhũng tràn lan đã ngăn cản các nhà đầu tư, nếu không họ có thể đổ hàng tỷ đô-la vào phát triển các mỏ dầu, khí đốt và khoáng sản phong phú của đất nước hoặc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém. Tham nhũng là một trong những nguyên nhân làm cho tăng trưởng kinh tế của đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới này cứ lẹt đẹt theo sau các nền kinh tế của các lân bang như Trung Quốc và Ấn Độ.

“Cuộc chiến chống tham nhũng còn lâu mới kết thúc, nhưng ít ra công chúng đã thấy chúng tôi đang đi đúng hướng”, ông Emerson Yuntho của cơ quan Giám sát Tham nhũng Indonesia (ICW) nói.

Hướng đi đó được xác định năm 2004 khi ông Susilo Bambang Yudhoyono mà người dân gọi thân mật là SBY lên lãnh đạo. Một trong những quyết định đầu tiên của Tổng thống SBY là thành lập tòa chống tham nhũng - đặt tạm trong một dinh thự cũ kỹ ở thủ đô Jakarta, nơi cửa sổ đã vỡ hết kính và phòng xử án bốc mùi ẩm mốc. Nhưng tòa án này có những đặc điểm riêng làm cho nó có hiệu quả hơn hệ thống tòa án thông thường trong việc trừng trị các quan chức tham nhũng.

Một trong những đặc điểm này là việc bổ nhiệm 3 thẩm phán đặc biệt vào hội đồng xét xử 5 thành viên. Những thẩm phán đặc biệt này được tuyển từ bên ngoài ngành tư pháp, bao gồm các học giả và các trí thức chuyên nghiệp khác. Ở một đất nước mà tư pháp bị coi là ngành tham nhũng nặng nề nhất thì các “thẩm phán bên ngoài” này được coi là có tính độc lập nhiều hơn.

Theo thông tin của ICW, được hỗ trợ bởi những tập hồ sơ chứng cứ thu thập bởi Ủy ban Xóa bỏ tham nhũng, hoặc KPK, tòa chống tham nhũng đã gần như tuyên án phạm tội cả 100% các trường hợp đưa ra xét xử với mức án bình quân là 4 năm/trường hợp. Tòa án bình thường xử các trường hợp tham nhũng nhẹ tay hơn. Năm ngoái, có 62% trường hợp bị cáo buộc tham nhũng được các tòa án địa phương tha bổng, tăng hơn mức 57% năm 2007 và gần gấp đôi mức 31,4% năm 2006. Mức án mà các tòa án địa phương đưa ra cũng nhẹ hơn, bình quân là 6 tháng giam giữ cho mỗi trường hợp xác định có tội.

Budi Effendi, một người thất nghiệp ở Jakarta nói: “Chúng tôi cần tòa chống tham nhũng bởi vì tòa án thông thường không có hiệu quả. Nhưng có lẽ tốt nhất là nên làm như Trung Quốc: tịch thu tài sản do tham nhũng mà có và xử tử hình để ngăn ngừa những kẻ khác”.

Hàng loạt quan chức cao cấp trước đây được coi như “bất khả xâm phạm” đã bị tòa chống tham nhũng tuyên án và tống giam. Trong số này có thể kể tới tỉnh trưởng tỉnh Aceh Abdullah Puteh, công tố viên cao cấp Urip Tri Gunawan nhận hối lộ để không truy tố một vụ tham nhũng, nhiều quan chức ngân hàng trung ương, trong đó có cựu thống đốc Burhanuddin Abdullah. Nổi bật nhất là hôm thứ tư tuần trước tòa tuyên án một người sui gia của Tổng thống Yudhoyono là cựu quan chức ngân hàng trung ương Aulia Pohan bốn năm rưỡi tù giam vì tội hối lộ các thành viên Quốc hội.

Ngay cả Quốc hội cũng không “thoát”. Cho đến nay, tòa chống tham nhũng đã kết án 8 nghị sĩ Quốc hội và một số nghị sĩ khác đang chờ được xét xử. Nhiều người cho rằng, có lẽ đây là lý do khiến Quốc hội Indonesia trì hoãn việc thông qua một đạo luật mà không có nó tòa chống tham nhũng không thể tiếp tục tồn tại được.

Tổng thống Yudhoyono lên cầm quyền năm 2004 với cam kết chống tham nhũng triệt để và ông đang vận động tái tranh cử trong cuộc bầu cử ngày 8-7 sắp tới. Quyết định của tòa chống tham nhũng đối với người sui gia của ông hôm thứ tư tuần trước là cơ hội để ông chứng tỏ cam kết của mình, chống tham nhũng triệt để cho dù người đó là ai.

Giáo sư Arbi Sanit của Đại học Indonesia nhận xét: “Vụ bắt giam ông Aulia Pohan, tiếp theo đó là xét xử và kết án, sẽ làm tăng uy tín của ông Yudhoyono trong công cuộc chống tham nhũng và thực thi pháp luật”.

Bản thân ông Yudhoyono đã nói rằng, trong trường hợp Quốc hội không thông qua điều luật về tòa chống tham nhũng trước tháng 10-2009, tự ông sẽ ban hành một sắc lệnh của Tổng thống để bảo đảm cho tòa này tiếp tục hoạt động. Nếu không có tòa chống tham nhũng thì Ủy ban Xóa bỏ Tham nhũng KPK sẽ bị vô hiệu hóa và các vụ án tham nhũng sẽ do tòa án thông thường thụ lý như ngày xưa.

Ông Teguh Hariyanto, thẩm phán của tòa chống tham nhũng, nhận định: “Tôi không hy vọng đạo luật về tòa chống tham nhũng sẽ được Quốc hội phê chuẩn trước hạn cuối là ngày 19-12 vì làm như thế chẳng khác nào Quốc hội tự đào huyệt để chôn chính mình. Còn nếu như Tổng thống SBY được đắc cử nhiệm kỳ nữa, ông ấy sẽ có đủ dũng khí để làm một điều gì đó nếu đạo luật về tòa chống tham nhũng không qua được cửa Quốc hội”.

Huỳnh Hoa (Theo Reuters)

;
.
.
.
.
.