.

Nga và Trung Quốc ủng hộ nỗ lực giảm căng thẳng ở Đông Bắc Á

.

* Triều Tiên có thể phóng tên lửa tới Hawaii vào tháng 7­

Trong cuộc gặp tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong một tuyên bố chung, chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ đáp trả quân sự “mạnh hơn cả nghìn lần” nếu Mỹ và các đồng minh có thái độ khiêu khích.

Nga và Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ mọi nỗ lực giảm căng thẳng ở Đông Bắc Á và kêu gọi nỗ lực của các bên giải quyết những bất đồng hiện nay thông qua biện pháp hòa bình, đối thoại và tham vấn.

Tuyên bố chung nêu rõ: “Nga và Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ mọi nỗ lực giảm căng thẳng ở Đông Bắc Á và kêu gọi nỗ lực của các bên giải quyết những bất đồng hiện nay thông qua biện pháp hòa bình, đối thoại và tham vấn”. Đây được xem là động thái chung mới nhất của Nga và Trung Quốc, hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cả Nga và Trung Quốc đều kêu gọi Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của nước này và khẳng định ủng hộ nghị quyết mới mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra sau vụ thử hạt nhân thứ hai hôm 25-5. Dư luận cho rằng, việc các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc gây áp lực với Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy dường như Moscow và Bắc Kinh “đang hết dần kiên nhẫn” với Bình Nhưỡng. Vùng đông bắc Trung Quốc và Viễn Đông của Nga giáp giới Triều Tiên và những hành động “không thể đoán trước” của Bình Nhưỡng đang làm tăng mối lo ngại ở cả hai nước này. 

Theo hãng tin Interfax, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Viktor Popovkin tuyên bố, Nga có thể bắn hạ mọi tên lửa của Triều Tiên nếu nó hướng về lãnh thổ nước Nga. Quan chức Nga đưa ra tuyên bố này nhằm trấn an dân cư ở khu vực giáp giới Triều Tiên, giữa lúc có những đồn đoán rằng, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa tầm xa và tầm trung. Tuy nhiên, sau cuộc gặp thượng đỉnh lần này ở điện Kremlin, cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cùng kêu gọi một giải pháp hòa bình cho bế tắc hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và nối lại sớm nhất có thể các cuộc thương lượng 6 bên.

Nhật báo Yomiuri của Nhật Bản hôm 18-6 cho biết, Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo tầm xa tới Hawaii vào đầu tháng 7 này. Tên lửa được phóng đi là tên lửa tầm xa Taepodong-2 và có thể sẽ được phóng từ khu thử Dongchang-ri ở bờ biển tây bắc. Tên lửa có thể được phóng từ ngày 4 đến 8-7 nhân kỷ niệm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Il Sung (8-7).
 
Tờ Yomiuri cũng chính là tờ báo đầu tiên đưa tin Triều Tiên có thể phóng một tên lửa tầm xa sau khi nước này thử hạt nhân dưới lòng đất vào ngày 25-5 vừa qua. Tờ Yomiuri cũng cho rằng, có thể Triều Tiên bắn tên lửa Taepodong-2 bay qua Nhật Bản, hướng tới Hawaii, nhưng sẽ không thể vươn tới các đảo chính của Hawaii. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối bình luận về thông tin trên. Giới chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cùng Cơ quan tình báo quốc gia nước này cũng cho biết không thể xác nhận thông tin.

Một quả tên lửa Taepodong-2, tên lửa được thiết kế nhằm mục đích vươn tới tận Mỹ, mà Triều Tiên phóng vào tháng 4 vừa qua chỉ bay được khoảng 3.000km, tức là còn 4.800km nữa mới vươn tới được bờ biển Alaska. Tại Washington, Tướng James Cartwright, Phó Tham mưu trưởng Mỹ cho biết, Triều Tiên sẽ phải mất ít nhất 3-5 năm để có thể gây nguy hiểm thực sự cho bờ biển phía tây của nước Mỹ.

Trong khi đó, một báo cáo được Tổ chức khủng hoảng quốc tế (ICG) công bố hôm 18-6 cho rằng, Triều Tiên đang sở hữu khoảng 2.500-5.000 tấn vũ khí hóa học có thể gắn được trên các tên lửa dùng trong một cuộc tấn công chớp nhoáng Hàn Quốc. “Nếu xung đột leo thang và thù địch quân sự nổ ra, sẽ có nguy cơ các loại vũ khí đó được đem ra sử dụng.
 
Nhìn chung, Triều Tiên yếu hơn và họ cảm thấy phải dùng đến những vũ khí đó nếu cần thiết”, Daniel Pinkston, đại diện của ICG tại Seoul nói. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vũ khí tin rằng, Triều Tiên vẫn còn lâu mới có đủ trình độ thu nhỏ vũ khí hạt nhân để gắn lên một đầu đạn và họ cần phải tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân nữa mới có thể phát triển được. 

 BĂNG CHÂU (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.