.

Ngòi bút và lương tâm

.

Trong tác nghiệp, nhà báo hầu như luôn đặt mình trước các mối nguy hiểm ngay từ khi xác định chủ đề đến khai thác, xử lý thông tin và công bố tác phẩm. Không những thế, nhà báo còn luôn đối mặt với những băn khoăn, trăn trở khi mà lằn ranh giữa pháp luật và đạo đức vốn đã rất mong manh! Đã có không ít tác phẩm báo chí làm nảy sinh trong báo giới các ý kiến tranh luận chung quanh vấn đề pháp luật và đạo đức hành nghề. Cái chết thương tâm của phóng viên ảnh Kevin Carter vẫn còn đó những bài học đắt giá cho mỗi nhà báo chúng ta trước vấn đề lương tâm của người cầm bút.

Kevin Carter (13-9-1961 – 27-7-1994) là nhà nhiếp ảnh tự do người Nam Phi, từng làm việc cho các hãng tin Reuters và Sygma Photo NY, là cựu biên tập viên ảnh của Mail&Gaurdian và thành viên của Bang-Bang Club. Bức ảnh này đoạt giải Pulitzer 1994 được chụp khi xảy ra nạn đói khủng khiếp ở Sudan (1994), mô tả một em bé đang đói lả nhưng vẫn cố bò về phía trại phân phát lương thực của Liên Hợp Quốc.

Con chim kền kền đang chờ đứa trẻ bị chết để nó có thể ăn thịt. Bức ảnh đã làm cho cả thế giới bàng hoàng và cũng chính bức ảnh này đã khiến Kevin Carter tự vẫn vào ngày 27-7-1994 ở độ tuổi 33.

Bức ảnh đoạt giải Pulitzer 1994 của Kevin Carter được chụp khi xảy ra nạn đói khủng khiếp ở Sudan, mô tả một em bé da đen gầy gò gần kiệt sức đang gục xuống nền đất khô cằn. Không xa đằng sau là một con chim kền kền đang rình rập chờ em chết để có thể ăn thịt. Bức ảnh có tính báo chí cực cao: Sự khốc liệt của sự sống hiển hiện ở vùng đất của nghèo đói, bệnh tật và hiểm nguy rình rập. Quả thật, ngay từ giây phút đầu tiên nhìn vào bức ảnh, tôi có cảm giác như bị điện giật vì ấn tượng quá mạnh của bức ảnh, sau đó là một tâm trạng đau đớn thương cảm cho số phận một con người đã lan tỏa khắp cơ thể.
 
Vì vậy, việc nhiều người lên án sự vô cảm của tác giả là điều dễ hiểu. Hành động của Kevin là có thể thông cảm được, bởi nếu không có bức ảnh của anh, mọi người sẽ không biết được tình trạng đói nghèo của Sudan nói riêng và của đại lục đen nói chung vào thời điểm đó. Anh là người dóng lên hồi chuông thức tỉnh thế giới trước nạn đói châu Phi. Tuy nhiên, bi kịch của câu chuyện ở đây là cái chết tự sát của phóng viên Kevin. Nó gợi cho chúng ta- những người làm báo - nhiều điều phải suy nghĩ về đạo đức nghề nghiệp.

Xin được nói thêm về bức ảnh nói trên của Kevin Carter. Kevin đã chụp nó vào tháng 3-1993 khi anh đến miền Nam Sudan với ý định thu thập tài liệu về phong trào nổi dậy của quân phiến loạn địa phương. Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến cảnh đói khát ở đây, anh đã xoay sang chụp ảnh về những nạn nhân của cái đói. Bức ảnh được bán cho tờ New York Times và xuất hiện lần đầu vào ngày 26-3-1993. Ngay lập tức, hàng trăm người đã liên hệ với tòa soạn để hỏi về số phận của đứa trẻ trong ảnh. Điều đó khiến New York Times phải ra một thông báo đặc biệt về chuyện này, trong đó nói rằng số phận của đứa trẻ sau đó ra sao thì không rõ.

Kevin kể rằng, anh đang ngồi nghỉ trong một bụi cây thì phát hiện đứa trẻ lúc đó đang cố gắng di chuyển đến trung tâm phát lương thực của Liên Hợp Quốc. Khi con kền kền đậu xuống rình mồi, anh đã đợi 20 phút đồng hồ, hy vọng nó xòe cánh để có được tạo hình ấn tượng hơn. Nhưng điều đó không xảy ra. Rồi anh chụp ảnh và đuổi con kền kền đi.
 
Bức ảnh sau đó được đăng lại liên tục trên các báo và tạp chí lớn trên thế giới, trở thành biểu tượng nỗi thống khổ của châu lục đen, mở đầu cho một xu hướng khai thác những hình ảnh đau khổ và chết chóc, từ Libăng đến Xômali, từ Haiti đến Rwanda…và sau này là Kosovo. Nó mang lại cho Kevin vô vàn lời tán dương cùng giải thưởng danh giá Pulitzer ở thể loại ảnh báo chí vào ngày 23-5-1994. Tuy nhiên, nó cũng khiến anh hứng chịu sự chỉ trích nặng nề của dư luận về tội chỉ chú ý đến việc chụp ảnh mà không mảy may giúp đỡ em gái đáng thương. Rất nhiều người gọi điện đến vào đêm khuya để lăng mạ và tố cáo anh.

Có một bài báo đã viết về Kevin: “The man adjusting his lens to take just the right frame of her suffering, might just as well be a predator, another vulture on the scene”. Dịch nghĩa: “Kẻ chỉ chú tâm chụp ảnh, nhưng lại vô cảm trước thảm cảnh của cô bé da đen, thì cũng chỉ là một con vật ăn thịt, một con kền kền thứ hai trong bối cảnh ấy mà thôi”.

Sau này, Kevin tâm sự với bạn bè rằng, anh ước gì giá mình có thể can thiệp và giúp đỡ được đứa trẻ. Sự thật là, thời gian ấy (đây là thời kỳ cuối của chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi), các phóng viên ảnh tại Sudan được cảnh báo không tiếp xúc với những nạn nhân của đói khát vì lý do bệnh tật truyền nhiễm.

Áp lực của dư luận cộng thêm cái chết của người bạn thân, phóng viên ảnh Ken Oosterbroek (bị bắn chết khi đang ghi lại cảnh bạo lực đường phố vào năm 1994) đã khiến Kevin Carter tự kết liễu đời mình. Ngày 22-7-1994, chỉ 2 tháng sau khi nhận giải Pulitzer, cảnh sát tìm thấy thi thể Kevin cùng một vài bức thư tuyệt mệnh để lại cho gia đình và bạn bè… trong chiếc xe không mui của anh, đỗ ở ngoại ô Johannesburg, cạnh dòng sông nơi anh thường chơi thuở bé. Điều tra cho thấy, anh chết vì ngộ độc khí carbon ở tuổi 33, khi vinh quang và những ồn ào với tác phẩm để đời của mình còn đang nóng hổi.

Anh đã để lại những dòng tâm sự cho vợ góa của người bạn thân Ken Oosterbroek rằng: “Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức về cái chết, về sự giận dữ và nỗi đau của những đứa trẻ đói khát hoặc bị thương... Tôi may mắn khi đi theo Ken”. Lời tâm sự rất thành thật của Kevin sau đó rất dễ cảm thông. Và cả nỗi tức giận, trách cứ của nhiều người nhằm vào anh cũng cần được chia sẻ.

Nhưng điều lớn lao hơn là tác giả bức ảnh đã gửi đến triệu triệu người trên hành tinh này một thông điệp của lòng nhân ái, nỗi đớn đau của phận người trước một thực tế nghiệt ngã: sự tồn tại của con người. Không viển vông, không cao xa, hãy khoan nói về ý nghĩa sự sống mà trước hết hãy nói về sự tồn tại của con người - em bé đáng thương! Nó đánh thức phần nhạy cảm nhất trong mỗi trái tim chúng ta về tình yêu thương đồng loại, về trách nhiệm của chính mình để bắt đầu cho những hành động cụ thể vì cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều lớn lao ấy người phóng viên nhiếp ảnh Kevin đã làm được.

Nếu không có những người như Kevin, báo chí sẽ đem lại gì cho chúng ta ngoài những dòng tin rỗng tuếch?! Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chúng ta có những hành động tác nghiệp báo chí một cách máy móc, cố sao cho làm được nhiều thao tác, lấy được nhiều tin... để một sinh linh nhỏ bé biến mất không thể tìm lại được.

Không còn hoài nghi gì nữa, cái chết của phóng viên ảnh Kevin nột lần nữa chứng minh rằng, lương tâm của con người đã chiến thắng mọi thứ, bất chấp cả tính mạng bản thân, bởi “lòng tốt để duy trì sự sống, cho con người thực sự Người hơn”. Đó không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ mà còn là đạo đức và lương tâm của người cầm bút. Dẫu là tự sát, cái chết của Kevin cũng phần nào đã tôn thêm vẻ đẹp nhân cách của con người anh. Kevin chính là bài học quý giá để mỗi người làm báo chúng ta tự suy ngẫm.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.