Chuyến đi gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Mỹ Obama tới Ai Cập trong tuần qua, đã thuyết phục được người Hồi giáo hy vọng vào “một sự khởi đầu mới” trong quan hệ vốn đã rạn nứt từ lâu giữa họ và Mỹ.
Một gia đình Palestine chăm chú theo dõi bài nói chuyện của Tổng thống Mỹ Obama. (Ảnh: Reuters) |
Ông thừa nhận rằng, chủ nghĩa thực dân đã phủ nhận “quyền và cơ hội của rất nhiều người Hồi giáo, và rằng đôi khi phương Tây đối xử với người Hồi giáo như “đàn em” của họ. Vì vậy, người Hồi giáo có lý do để cho rằng, Mỹ và phương Tây thù địch với họ và Mỹ không phải lúc nào cũng hành xử đúng như lý tưởng của mình.
Giới thân cận của Tổng thống Mỹ cho biết, từ nhiều tuần qua, ông Obama đã tập trung chuẩn bị bài diễn văn một cách công phu, qua việc tham khảo ý kiến của cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ, cân nhắc từng câu từng ý một cách cẩn trọng cho đến trước khi rời Washington. Theo các cố vấn của Tổng thống, ông Obama phân tích những lý do sâu xa gây chia rẽ và những cơ hội để thế giới Hồi giáo và Mỹ hợp tác với nhau, cùng đối phó với những thảm họa chung, ủng hộ nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan, chiến tranh tại Afghanistan, Pakistan, Iraq và xung đột Israel-Palestine.
Vì thế, không phải là một sự ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ chọn đại học Cairo, chiếc nôi của xu hướng bài Mỹ tại Ai Cập, để chìa bàn tay hòa giải đến 1,5 tỷ người Hồi giáo trên thế giới. Ông đã đánh đúng vào vấn đề bức xúc của người Hồi giáo là dành nhiều thời gian để nói về cuộc xung đột Palestine-
Israel. Những ngôn từ này không đưa ra sáng kiến gì mới, nhưng nó thể hiện sự cảm thông khi thừa nhận người Palestine đang bị chèn ép và bị “chiếm đóng”.
Mỹ không chấp nhận việc xây dựng các khu định cư Do Thái và kêu gọi các bên trở lại với lộ trình hòa bình. Lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ đã đặt nỗi đau của người Palestine và người Israel ngang hàng nhau khi nói rằng: “Đã đến lúc phải ngừng xây dựng các khu định cư” và “Chẳng có gì là dũng cảm hay thể hiện sức mạnh khi bắn rocket vào những đứa trẻ đang ngủ, hay làm nổ tung xe buýt và giết chết những người phụ nữ trong đó”.
Người Hồi giáo không cảm thấy đó là những lời hoa mỹ đơn thuần mà là sự thẳng thắn và thành tâm của ông Obama. Chính vì thế, từ Palestine, cả Hamas và Fatah đều thừa nhận, Mỹ đang thể hiện một chính sách ngoại giao mới mềm dẻo hơn với khu vực. Tổng Thư ký Liên đoàn Ả rập Amr Moussa còn nhận định, ông Obama có thể chấm dứt “nhiều năm đối đầu và căng thẳng” giữa phương Tây và người Hồi giáo.
Theo giới phân tích từ Washington cũng như ở Trung Đông thì trong mọi tình huống, sự kiện Obama vào Nhà Trắng đã làm mọi quan điểm, mọi lập trường cố hữu phải lung lay. Ông liên tục có động thái chứng tỏ quyết tâm lay chuyển điều mà người ta gọi là “tình thế nguyên trạng” như: đề cử George Mitchell, nguyên là kiến trúc sư kiến tạo hòa bình tại Bắc Ai-len, làm đặc sứ tại Trung Đông. Sau đó là thông điệp hòa giải trực tiếp truyền hình gửi đến chính phủ và người dân Iran. Rồi thông điệp gửi đến thế giới Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ, và gần đây nhất là lần lượt đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và tân Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou tại Nhà Trắng.
Nhà phân tích Micheal Young của báo Now Libanon cho rằng, chính sách ngoại giao của Obama không giống Clinton, mà thực ra là tiếp nối con đường của George Bush vạch ra trong nhiệm kỳ hai. Tại Trung Đông, Washington cố gắng đưa thế đa cực vào chính sách ngoại giao nhưng không đạt được kết quả nào đáng kể.
Trong vấn đề hạt nhân Iran, vai trò của Cơ quan Năng lượng Quốc tế được Mỹ hỗ trợ không chặn đứng được chương trình hạt nhân của chính quyền Hồi giáo. Nếu thái độ của Washington vẫn cứng rắn không khoan nhượng trên vấn đề này, thì ngược lại, một bản báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ được tiết lộ trong nhiệm kỳ hai của ông Bush đã làm tan biến mọi khả năng dùng giải pháp quân sự trừng phạt Iran. Mỹ còn yêu cầu Israel không được ra tay.
Tại Libăng, Washington cũng thúc đẩy một nghị quyết của Hội đồng Bảo an không cho Syria can thiệp vào công việc nội bộ nước láng giềng, nhưng trên thực tế Hezbollah vẫn được Syria viện trợ vũ khí. Và đặc biệt đối với vấn đề Israel-Palestine, chính quyền tiền nhiệm Bush cũng cố gắng lôi kéo Liên minh châu Âu, LHQ và Nga vào cuộc, nhưng khủng hoảng nội bộ tại Israel và phân hóa trong hàng ngũ Palestine đã làm bế tắc tình hình.
Theo Robert Malley, cựu cố vấn của Tổng thống Clinton, mục tiêu của Tổng thống Obama rất rõ ràng: Đi đến một hiệp định song phương theo giải pháp hai Nhà nước Israel và Palestine chung sống hòa bình. Hai bên buộc phải nhượng bộ lẫn nhau, và dẫn đến một thái độ nhượng bộ chung giữa các đối tác tại khu vực. Nhưng hầu hết giới phân tích đều đồng ý trên một điểm: “ấn định mục tiêu không phải khó, cái khó là chiến lược đi tới”. Hiện nay, tất cả mới chỉ dừng ở lời nói.
Quan hệ với người Hồi giáo không thể chỉ được hàn gắn qua một bài phát biểu. Cuộc chiến dai dẳng giữa Israel và Palestine cũng không thể chỉ giải quyết bằng “lắng nghe” và “thấu hiểu”. Chỉ mới đây thôi, Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn còn tỏ thái độ cương quyết với việc tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái.
Và liệu nước Mỹ có thể hy sinh những giá trị mà họ vẫn đeo đuổi xưa nay? Những gì diễn ra sau bài phát biểu thành công ở Cairo mới là gian nan nhất. Ông Obama đã nêu ra được lập trường mới mẻ của mình một cách thuyết phục. Nhưng nếu chỉ những ngôn từ đẹp đẽ có thể mang lại hòa bình cho Trung Đông thì giờ đây cả người Palestine và Israel đã không phải đau đớn đến vậy. Tài năng và sự chân thành của ông Obama sẽ được thử thách trong thời gian tới khi mà mọi lời nói này đi vào hành động.
GIA HUY