.

Tiếng nói quyết định vẫn là các cường quốc

.

Tuần qua là một tuần đầy thử thách không chỉ đối với nước Mỹ mà còn đối với các nước đồng minh của Mỹ khi họ muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình bằng con đường ngoại giao - kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán 6 bên, hoặc tăng cường biện pháp trừng phạt mạnh tay. Trong khi đó, Bình Nhưỡng không ngừng tiếp tục bắn thử tên lửa, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động tự vệ nếu bị Hội đồng Bảo an LHQ “khiêu khích”. 

Chủ tịch Kim Jong Il thăm Nhà máy hóa chất Namheung ở Anju, bắc Bình Nhưỡng.

Vụ thử hạt nhân hôm 25-5 và hàng loạt vụ phóng tên lửa sau đó, cộng với tuyên bố rút khỏi hiệp ước đình chiến liên Triều năm 1953 của Bình Nhưỡng, đã làm tăng cao căng thẳng trong khu vực và dấy lên quan ngại rằng, Bình Nhưỡng có thể gây ra một cuộc chiến dọc đường biên giới với Hàn Quốc. Chưa hết, có nguồn tin cho hay, các vệ tinh do thám của Mỹ đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy, CHDCND Triều Tiên tái khởi động nhà máy hạt nhân.

Việc CHDCND Triều Tiên tái khởi động nhà máy hạt nhân, phóng thêm tên lửa chắc chắn sẽ còn gây thêm căng thẳng kéo dài cho khu vực Đông Bắc Á nói riêng và thế giới nói chung - một thế giới vốn đang hết sức căng thẳng từ chính trị tới kinh tế như hiện nay.

Trong một động thái mới, sáng 30-5, Mỹ đã cảnh báo rằng, Washington sẽ phản ứng nhanh chóng trước bất kỳ động thái nào đe dọa tới Mỹ và các đồng minh châu Á của nước này. Theo các quan chức giấu tên ở Washington, hiện nay đang có nhiều dấu hiệu về sự gia tăng hoạt động tại một cơ sở được sử dụng để phóng các tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng tiết lộ, các vệ tinh do thám của Mỹ đã phát hiện Triều Tiên đang chuẩn bị vận chuyển một tên lửa tầm xa bằng tàu hỏa đến bãi phóng Musudan-ri ở đông bắc nước này. Theo nguồn tin này, tên lửa được lấy từ một nhà máy vũ khí gần Bình Nhưỡng.
 
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Bình Nhưỡng thách thức cộng đồng quốc tế. “Triều Tiên đang thách thức cộng đồng quốc tế một cách trực tiếp và táo bạo. Hành động của nước này làm gia tăng căng thẳng và gây xói mòn sự ổn định ở Đông Bắc Á”, ông Obama nhấn mạnh. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì cam kết rằng, Mỹ sẽ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản khi hai quốc gia này đối mặt với các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán sáu bên về giải giáp chương trình hạt nhân của nước này. Hôm 30-5, Nhật cũng tuyên bố sẽ không khởi xướng bất cứ hành động thù địch nào chống Triều Tiên nhưng sẵn sàng tự vệ.

Trong bài phát biểu tại một cuộc họp quân sự ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gates cho biết, mối đe dọa từ Triều Tiên có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. “Chúng tôi sẽ không đứng im chứng kiến Triều Tiên củng cố khả năng có thể tiến hành phá hủy bất kỳ mục tiêu nào trong khu vực, cũng như ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân”.

Dầu vậy, Triều Tiên vẫn tuyên bố, vụ thử hạt nhân là vì mục đích tự vệ. Nước này quả quyết Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công phủ đầu nhằm lật đổ chế độ Kim Jong Il và cảnh báo sẽ không chấp nhận các đòn cấm vận hay bất cứ biện pháp trừng phạt nào khác đang được Hội đồng Bảo an LHQ bàn thảo. Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh trong một thông báo được hãng thông tấn KCNA đăng tải. “Sự kiên nhẫn của chúng ta chỉ có giới hạn. Vụ thử hạt nhân được tiến hành ở đất nước chúng ta lần này là vụ thử hạt nhân thứ 2.054 trên thế giới. 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã thử 99,99% tổng số các vụ thử ấy”.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa khẳng định chính xác vụ nổ hôm 25-5 có phải là một vụ thử hạt nhân thứ hai của Bình Nhưỡng hay không. Tổ chức hiệp định cấm thử toàn diện (CTBTO) có trụ sở ở Vienna, Áo, cho biết cần phải đợi đến sớm nhất là trong tuần này, mới có bằng chứng chính xác. Các nhà khoa học cần phải tìm kiếm bằng chứng tồn tại các phân tử phóng xạ và khí hiếm.

Nhưng CTBTO khẳng định, các dữ liệu cho đến nay cho thấy, nó giống với cả một vụ nổ lẫn một vụ động đất. Ngay sau vụ thử hạt nhân thứ hai của Bình Nhưỡng, Nga tuyên bố vụ nổ lớn gấp 20 lần vụ nổ 1 kiloton TNT của Triều Tiên 3 năm trước đây, hoặc bằng với quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Nagasaki, Nhật Bản, trong Thế chiến II. Tuy nhiên, CTBTO và Mỹ đánh giá sức mạnh của vụ thử dưới lòng đất của Triều Tiên nhỏ hơn.

Hiện nay, việc nối lại vòng đàm phán 6 bên vẫn còn phụ thuộc vào Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gates từng nhấn mạnh: “Chọn tiếp tục con đường nghèo túng, bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế, hoặc lập nên một tiến trình mới, là do Triều Tiên tự quyết định. Thế giới đang chờ đợi”. Tuy nhiên, mấu chốt để tháo ngòi căng thẳng là một đề nghị mới được đưa ra cho Bình Nhưỡng từ phía Washington.
 
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thực sự được giải đáp chỉ khi có sự thỏa hiệp giữa các nước tham gia đàm phán thì tiến trình 6 bên mới đạt kết quả. Bất cứ một cặp song phương nào, dù đó là quan hệ giữa Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên “đặc biệt như môi với răng” cũng không thể quyết định và càng không thể thay thế các diễn đàn đa phương. Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của các cường quốc mới là tiếng nói cuối cùng trong các tranh chấp quốc tế.

Đài KBS cho biết, tiến trình soạn thảo nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ đang lâm vào bế tắc do bất đồng ý kiến giữa một số nước. Theo một nhà ngoại giao tại LHQ, Trung Quốc và Nga đã phản đối mạnh mẽ biện pháp trừng phạt mới do Mỹ và Nhật Bản đề xuất, trong đó gồm cả việc Washington và Tokyo sử dụng sức mạnh quân sự một khi CHDCND Triều Tiên vi phạm nghị quyết của LHQ.
 
Trong khi đó, tại hội nghị an ninh khu vực châu Á, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí sẽ đưa ra một “phản ứng chung” đối với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.


ĐOÀN LƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.