.
TỔNG THỐNG MỸ BARACK OBAMA ĐỌC DIỄN VĂN TẠI AI CẬP:

Hàn gắn rạn nứt với thế giới Hồi giáo

.
(ĐNĐT) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (4-6) đã có bài phát biểu được mong đợi từ lâu và đề cập đến nhiều vấn đề về quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo, đồng thời tìm cách dỡ bỏ hàng rào những xung đột và khác biệt làm chia cắt hai nền văn hóa.

 
Tổng thống Obama thuyết phục tạo nên một chương mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo trong bài phát biểu ở Cairo, Ai Cập.
Tại Đại học Cairo ở Ai Cập, ông Obama đã trích dẫn từ kinh Koran khi ông trình bày về những quyền lợi và những vinh quang của đạo Hồi, những quyền lợi hợp pháp của Israel và người Palestine, những tham vọng hạt nhân của Iran, các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, quyền lợi của phụ nữ, sự phát triển kinh tế, những quyền lợi tôn giáo và nền dân chủ ở thế giới Hồi giáo.

Ông nói rằng đã đến lúc "nói sự thật" và "theo đuổi một sự khởi đầu mới." "Mỹ và thế giới Hồi giáo cũng không loại trừ," ông nói, "và không cần phải đối đầu nhau. Thay vào đó, họ chia sẻ những nguyên tắc chung về công lý và sự tiến bộ, lòng khoan dung, và phẩm giá của tất cả loài người."

Bài phát biểu, được kỳ vọng mang một sứ mệnh hàn gắn giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo, đã thuyết phục những người có mặt tại đó và tất cả người dân trên toàn cầu đang theo dõi qua truyền hình hãy bước sang một chương mới, hữu ích, và hòa bình trong mối quan hệ của họ.

Về xung đột giữa người Palestine và người Israel, ông Obama tán thành một giải pháp hai nhà nước và hối thúc một sự thỏa hiệp và hiểu nhau giữa "hai dân tộc với những nguyện vọng hợp pháp".
 
Cho rằng "sợi dây bền vững" giữa Mỹ với Israel là "không thể phá vỡ", ông nói "dựa trên những mối quan hệ lịch sử, văn hóa và sự công nhận mà tham vọng về một đất nước Do Thái được bắt rễ từ một lịch sử bi thảm không thể phủ nhận được".

Dẫn giải về hoàn cảnh khó khăn của người Palestine, ông Obama nói rằng "không thể phủ nhận rằng người dân Palestine - cả người theo đạo Hồi và đạo Cơ-đốc - đã phải chịu rất nhiều mất mát trong cuộc tìm kiếm một quê hương xứ sở.

"Trong hơn 60 năm ròng, họ đã gánh chịu nỗi đau không có nơi cư ngụ. Nhiều người chờ đợi ở những trại tị nạn ở Bờ Tây, dải Gaza, và những vùng lân cận mong tìm thấy một cuộc sống hòa bình và yên ổn mà họ chưa bao giờ được làm chủ. Cuộc xung đột này phải được nhìn nhận từ một viễn cảnh lớn hơn, không phải từ quan điểm của riêng bên nào, và cả ha bên đều phải cam kết với những trách nhiệm với tiến trình hòa bình". Ông nói thêm rằng, phong trào Hamas phải chấm dứt bạo lực và công nhận những thỏa ước trước đây.

Tổng thống Obama nói rằng Mỹ không theo đuổi việc giữ binh lính ở Afghanistan hay thành lập các căn cứ quân sự nhưng cần phải tiếp tục cuộc chiến chống lại "những kẻ cực đoan", với sức mạnh quân sự và đầu tư kinh tế và cơ sở vật chất cho cả Pakistan và Afghanistan.

Ông đề cập đến cuộc xung đột ở Iraq, cho rằng nó không giống như Afghanistan. Ông nói Mỹ cần phải giúp Iraq "đạt được một tương lai tươi sáng hơn và để đất nước Iraq cho người Iraq". "Tôi đã nói rõ với người dân Iraq rằng chúng tôi không theo đuổi tạo lập các căn cứ quân sự, không chiếm đất đai hay tài nguyên của họ. Chủ quyền của Iraq là của đất nước Iraq. Đó là lý do vì sao tôi có lệnh rút các sư đoàn chiến đấu vào tháng 8 tới".

Nói về việc đóng cửa nơi giam giữ các nghi phạm ở Vịnh Guantanamo ông Obama cho hay phải có những hành động cụ thể để thay đổi cách giải quyết. Ông Obama cũng tái khẳng định việc sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo trong năm tới.

Ông Obama nhấn mạnh ở những căng thẳng về vấn đề vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Iran và "lịch sử hỗn độn" giữa hai đất nước. Tổng thống Mỹ lặp lại mong muốn cùng Iran tiến tới trong nhiều lĩnh vực, cho rằng "vấn đề bây giờ, không phải là điều mà Iran chống lại, mà nên là tương lai nào mà họ muốn xây dựng".

Giáo chủ Iran Ali Khamenei nói trước bài diễn văn của ông Obama rằng, bất cứ lời phát biểu nào của Tổng thống Mỹ cũng chỉ là "những lời nói, diễn văn và khẩu hiệu" nhằm thuyết phục nước này chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, giáo sĩ Mohammad Ali Abtahi, từng là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami, cho rằng bài diễn văn của ông Obama là "một sự bồi thường" cho thái độ thù nghịch mà cựu Tổng thống Bush đã tạo ra. "Đây có thể là bước tiến đầu tiên để loại bỏ những hiểu lầm giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây", ông nói.

Nhật Lê (Theo CNN, AP)
;
.
.
.
.
.