.
TRƯỚC THỀM CUỘC GẶP THƯỢNG ĐỈNH NGA-MỸ

Chưa có kế hoạch hóa giải bất đồng rõ ràng

.

Trong hai ngày 23 và 24-6 sẽ là vòng đàm phán thứ 3 và cũng là vòng đàm phán cuối cùng về hiệp ước thay thế Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START I) giữa Nga và Mỹ, trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ song phương của hai cường quốc này.

Tổng thống Medvedev nhấn mạnh, đề xuất cắt giảm thêm vũ khí chiến lược của Nga chỉ có thể đạt được nếu Mỹ hóa giải những lo ngại của Nga.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START I), được ký kết năm 1991, đã quy định Nga và Mỹ phải cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống còn 6.000 đơn vị mỗi bên và các thiết bị phóng hạt nhân xuống còn 1.600. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào ngày 5-12 tới. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã từng phát biểu rằng, bất kỳ hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới nào cũng sẽ bao gồm cả việc cắt giảm các thiết bị phóng như rocket hay tàu ngầm chứ không chỉ là giảm đầu đạn.

Tuy chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng cho đến trước vòng thương lượng cuối cùng, người Mỹ vẫn chưa vạch ra rõ ràng quan điểm của họ về hiệp ước mới START II. Mỹ chỉ đơn thuần đưa ra những tuyên bố chung chung về sự cần thiết phải giảm nửa số vũ khí chiến lược và tìm một hiệp ước thay thế hiệp ước sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, cũng như nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với Nga vì mục đích này. Không có ngay cả một sự “rò rỉ thông tin” thường thấy trước cuộc gặp thượng đỉnh mà qua đó, Nhà Trắng có thể thăm dò được phản ứng của đối tác hoặc “tẩy não” dư luận. 

Hiện thời, Washington đang cân nhắc nghiêm túc mọi lựa chọn về các thỏa thuận với Moscow, trong đó có khả năng nhượng bộ về các cơ sở phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và CH Séc. Chính quyền Obama không thể “hóa vàng” chương trình tấm chắn phòng vệ tên lửa của Chính phủ tiền nhiệm George W. Bush trước cuộc gặp thượng đỉnh lần này. 

Ông Obama đang xem lại kế hoạch này, vì để cắt giảm các chương trình đã được hỗ trợ kinh phí một phần hoặc đã được khởi xướng của Lầu Năm Góc là một việc làm thực sự rất khó, ngay cả về lý do kỹ thuật chứ chưa kể đến sự phản đối chính trị trong Quốc hội và trong chính Lầu Năm Góc. 

Theo một số nhà phân tích chính trị, Washington có thể bước đầu sẽ đồng ý chỉnh lại kế hoạch phòng thủ tên lửa, trì hoãn việc thực thi và sau đó từ bỏ kế hoạch này. Điều này đã xảy ra với chương trình Star War của cựu Tổng thống Ronald Reagan. Washington có thể cân nhắc kỹ các kế hoạch của mình và chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa đến vị trí triển khai thứ ba gần biên giới với Iran hơn. Nhưng vào thời điểm hiện nay, đây mới chỉ là giả định. 

Trong chuyến thăm Hà Lan hai ngày 19 và 20-6 vừa qua, Tổng thống Medvedev đã tuyên bố khuyến khích người đồng cấp Mỹ cân nhắc về một hiệp ước có thể được gọi là START III - tức là cắt giảm thêm các vũ khí chiến lược. “Chúng tôi không thể chấp nhận kế hoạch của Mỹ nhằm thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa khắp thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đề xuất cắt giảm thêm vũ khí chiến lược của Nga chỉ có thể đạt được nếu Mỹ hóa giải những lo ngại của Nga.

Trong mọi tình huống, mối liên kết giữa tấn công chiến lược và các vũ khí phòng vệ phải được nêu rõ trong thỏa thuận này”, ông Medvedev nói. Các chuyên gia Mỹ lập tức cho rằng dù cứng rắn, tuyên bố này của Nga không có nghĩa là tối hậu thư: hoặc bãi bỏ tấm chắn phòng vệ tên lửa, hoặc nói tạm biệt với hiệp ước mới START II. Gắn mối liên hệ giữa tấn công chiến lược và các vũ khí phòng vệ không có nghĩa là yêu cầu phải từ bỏ kế hoạch phòng vệ tên lửa ngay vào lúc này.  

Tại cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Medvedev và người đồng cấp Mỹ Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thủ đô London, Anh, hồi tháng 4, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một hiệp ước mới thay thế cho START I vào cuối năm nay. Tổng thống Nga và Mỹ đã bày tỏ hy vọng rằng, thỏa thuận mới sẽ giúp cắt giảm thêm khoảng 1.700 tới 2.200 đầu đạn hạt nhân của mỗi bên vào năm 2012.

GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.