.
Bầu cử Tổng thống ở Indonesia:

Tổng thống Yudhoyono tái cử nhiệm kỳ hai

.

Mặc dù kết quả  kiểm phiếu chính thức chỉ được công bố trong vài ngày tới, nhưng theo kết quả dựa trên 2/3 số phiếu đã kiểm, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã giành được thắng lợi áp đảo ngay trong vòng một của cuộc bầu cử Tổng thống tại Indonesia, vượt xa hai đối thủ còn lại. Ông Yudhoyono giành được phần thắng ngay vòng một với số phiếu dao động trong khoảng từ 58 đến 61% - cao hơn nhiều so với tỷ lệ 50% cần thiết để không phải tiến hành cuộc bầu cử vòng 2 vào tháng 9. 

Với chiến thắng áp đảo, đương kim Tổng thống Susilo BambangYudhoyono (trái) sẽ có cơ hội để tiếp tục các cuộc cải tổ mà chính phủ của ông đã tiến hành nhằm giúp cho nền kinh tế Indonesia đạt được nhịp độ tăng trưởng trên 6%.

Ông Yudhoyono vượt xa hai đối thủ là bà Megawati Sukarnoputri (cựu Tổng thống, về thứ hai với khoảng 26% số phiếu) và đương kim phó Tổng thống Jusuf Kalla (về thứ ba với khoảng 15% ủng hộ). Trong bài phát biểu trên truyền hình, đương kim Tổng thống Yudhoyono tuyên bố, cuộc bầu cử cho thấy, đảng của ông thắng phiếu, nhưng kêu gọi những người ủng hộ chờ Ủy ban Bầu cử công bố kết quả chính thức.

Đây là cuộc bầu cử Tổng thống thứ hai ở Indonesia theo chế độ phổ thông đầu phiếu trực tiếp từ ngày dân chủ được thiết lập tại nước này vào năm 1998. Một viên chức của ủy ban bầu cử tuyên bố cuộc bỏ phiếu đã diễn ra một cách ôn hòa và trật tự. Khoảng 176 triệu cử tri trong tổng số 234 triệu dân đã tham gia bầu cử tại những phòng phiếu đặt tại khoảng 6.000 hòn đảo của quần đảo Indonesia.

5 năm trước, những người vốn đã quá chán nản trước tình trạng trì trệ của đất nước kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, đã hy vọng vị tướng Yudhoyono sẽ mang đến một luồng gió cải cách mới. Với tấm bằng tiến sĩ về kinh tế nông thôn, ông Yudhoyono lúc đó là hiện thân của sự cách tân, của cái mới. Ông là một Tổng thống không hề dính phải tai tiếng tham nhũng, một thực tế đã ăn sâu với giới chính trị Indonesia nhiều năm qua.

Cuộc chiến chống tham nhũng của ông có những bước tiến đáng kể với sự góp sức của Ủy ban chống tham nhũng độc lập. Dù kinh tế có chậm lại, nhưng mức tăng trưởng của nước này vẫn là 4% trong khi những nước láng giềng đang vất vả đối phó với suy thoái. Chính phủ của ông Yudhoyono cũng đã thành công trong việc dẫn dắt đất nước qua cơn suy thoái bằng cách hạ giá đồng rupiah của mình và đi vay để bổ sung nguồn thu. Đa số người nghèo đều ghi nhận những việc chính phủ đã làm cho họ và đã bầu cho ông Yudhoyono cũng vì lý do đó.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề “cũ” tồn tại ở quốc gia lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm này. Chỉ có 1/4 trong số các biện pháp ông Yudhoyono đã hứa trong chiến dịch tranh cử lần 1 nhằm cải thiện môi trường đầu tư là được đưa vào thực hiện. Công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng vốn rất cấp bách ở nước này lại rơi vào tình trạng ì ạch. Cải cách tư pháp và tòa án thì manh mún. Các quy định về thị trường lao động cũng không tiến triển.

Quân đội thiếu tiền đầu tư trang thiết bị dẫn đến xảy ra nhiều vụ rơi máy bay. Trong khi đó, tỷ lệ nghèo đói 14,2% và tỷ lệ thất nghiệp 8,2% cao hơn nhiều mức ông đã hứa khi đắc cử Tổng thống lần thứ nhất. Dịch vụ y tế rất tệ. Cộng thêm vào đó là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến cho lượng hàng hóa xuất khẩu của Indonesia giảm.

Một khi kết quả kiểm phiếu chính thức trùng với kết quả kiếm phiếu sơ bộ không chính thức hiện giờ, ông Yudhoyono sẽ trở thành Tổng thống với số phiếu bầu cao nhất trên thế giới (người giữ vị trí này hiện giờ là Tổng thống Mỹ Obama với 66,9 triệu phiếu). Nhưng điều quan trọng hơn ở vị trí này là ông sẽ làm gì cho người dân Indonesia để họ thấy rằng, họ đã chọn một cái “bình cũ” để có được những dòng “rượu mới”.

BĂNG CHÂU (Theo AP, AFP)

;
.
.
.
.
.