.

Căng thẳng bán đảo Triều Tiên

.

Hàng loạt các đợt phóng tên lửa của Triều Tiên vào ngày 2 và 4-7, ngay trước ngày Lễ Quốc khánh Hoa Kỳ, một lần nữa đặt Đông Bắc Á trước tình hình căng thẳng ngày càng leo thang. Ngày 4-7 còn là ngày kỷ niệm thông cáo chung năm 1972 mà hai miền Triều Tiên đã đồng ý tiến tới tái thống nhất một cách hòa bình bán đảo chia cắt giữa họ. Đặc biệt, sự kiện bắn 7 quả tên lửa liên tiếp trong ngày Quốc khánh Hoa Kỳ chứng tỏ hành động trên không chỉ là một đợt diễn tập quân sự thường kỳ của nước này mà có lẽ như nó có mục đích chính trị rõ ràng.

Một vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên.

Theo Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng, Bình Nhưỡng sẽ bắn tên lửa tầm xa về phía Hawaii trong dịp Lễ Quốc khánh của Mỹ, tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Một quan chức thuộc Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc yêu cầu được giấu tên tiết lộ: “Triều Tiên đã bắn hai quả tên lửa, có vẻ như là tên lửa Scud, về phía biển Nhật Bản từ căn cứ Gitdaeryong ở gần Wonsan, tỉnh Gangwon vào khoảng 8 giờ và 8 giờ 30 sáng 4-7 (giờ Seoul).

Và bắn tiếp quả tên lửa nữa vào biển Nhật Bản từ cùng vị trí trên vào khoảng 10 giờ 45. Tất cả các tên lửa đều có tầm xa khoảng từ 400-500km. Quả tên lửa thứ 4 được bắn vào tầm trưa và 3 quả tên lửa nữa được bắn vào buổi chiều cùng ngày”. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, các tên lửa trên có vẻ như là tên lửa đạn đạo và có tầm xa trên 400km.

Ngay sau đó, cũng theo quan chức này, quân đội Hàn Quốc cùng với sự hỗ trợ của quân đội Mỹ đã đặt vào trong tình trạng sẵn sàng để đối phó với bất kỳ đe dọa hoặc khiêu khích nào của Triều Tiên. Trước đó, vào hôm 2-7, Triều Tiên cũng đã bắn loạt 4 tên lửa đất đối hạm từ bãi thử Sinsang-ni, phía nam tỉnh Hamgyong, về phía biển Nhật Bản, gây căng thẳng thêm trong khu vực.

Tuy nhiên, các tên lửa bắn vào sáng 4-7 là tên lửa đất đối đất, nguy hiểm hơn 4 quả tên lửa trước đó, bởi chúng có tầm khá xa so với loại tên lửa tầm ngắn. Các tên lửa có vẻ như là tên lửa Scud. Tên lửa Scud có tầm xa tới 500km, có thể bắn tới tất cả các mục tiêu ở Hàn Quốc. Còn tên lửa Rodong có tầm xa tới 1.300km, đặt hầu hết Nhật Bản trong “tầm ngắm”.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 1874 của LHQ được thông qua sau vụ thử hạt nhân của nước này vào ngày 25-5 vừa qua, Triều Tiên bị cấm bắn tên lửa Scud, tên lửa tầm trung hay tên lửa tầm xa. Đặc biệt, nghị quyết này cấm Triều Tiên phóng bất kỳ thứ gì có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Nhưng Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng, các vụ phóng tên lửa hôm 2-7 không vi phạm nghị quyết của LHQ, bởi chúng là tên lửa hành trình hơn là tên lửa đạn đạo.
 
Tên lửa đạn đạo được dẫn đường trong quá trình bay ra khỏi bầu khí quyển nhưng rơi tự do khi nó quay trở lại. Còn tên lửa hành trình bay ở tầm thấp và tiến thẳng tới mục tiêu. Dẫu vậy, đây cũng là một thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi tới Mỹ qua các vụ phóng tên lửa này. Và Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình trước bất kỳ đối thủ tiềm năng nào. Theo hãng tin AP, giới quan sát cũng cho rằng, Triều Tiên có thể sẽ phóng thêm nhiều tên lửa nữa trong những ngày sắp tới, nhưng ít có khả năng Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa như nước này tuyên bố vào tháng 4 vừa qua.

Ngay sau đó, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ nằm trong khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ. Người đứng đầu lực lượng Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead, cho hay, quân đội Mỹ đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ vụ thử tên lửa nào của Triều Tiên. “Tàu và lực lượng của chúng tôi ở đây đã chuẩn bị theo dõi các tên lửa và giám sát các hoạt động đang diễn ra”, Gary Roughead tuyên bố.

Cả Hàn Quốc và Nhật, hai nước trong “tầm ngắm” của tên lửa Triều Tiên, đều lên án các vụ phóng là hành động “khiêu khích”, vi phạm nghị quyết của LHQ. Bộ Ngoại giao tuyên bố, Hàn Quốc rất lấy làm tiếc về động thái liên tiếp của Triều Tiên làm leo thang căng thẳng ở Đông Bắc Á, khi liên tục coi thường nghị quyết của LHQ. Còn tại Tokyo, Chánh văn phòng nội các Takeo Kawamura nói, vụ phóng tên lửa “là hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với an ninh của các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản và đi ngược với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Theo các báo cáo tình báo Mỹ, CHDCND Triều Tiên bắt đầu tập trung phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung từ cuối những năm 1980. Vào đầu thập niên 1990, nước này bắt đầu phát triển hai loại ICBM tầm xa trọng yếu, được biết đến là Taepodong-1 và Taepodong-2.
 
Trong năm 1998, Ủy ban đánh giá mối đe dọa tên lửa đạn đạo nhằm vào Mỹ, do Donald Rumsfeld đứng đầu, dự đoán Triều Tiên và Iran có thể gây thiệt hại lớn trên đất Mỹ trong vòng 5 năm khi nắm được công nghệ ICBM. Báo cáo này ngụ ý rằng, kim đồng hồ đã chạy. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là Triều Tiên vẫn tiếp tục tìm kiếm công nghệ tên lửa tầm xa.

Dầu vậy, Triều Tiên mới bắn thử các tên lửa tầm xa tiên tiến của nước này vài lần và ở mỗi một trường hợp lại có vấn đề nào đó chưa chuẩn. Đầu nổ tên lửa quá nhỏ nên nó chỉ gây rất ít thiệt hại. Như vậy, vào lúc này, cơ hội Triều Tiên gây nguy hiểm cho Hawaii hoặc bất cứ một vùng lãnh thổ nào của Mỹ là rất nhỏ. Một số chuyên gia cho rằng, vụ thử hồi tháng 4 của Triều Tiên liên quan đến công nghệ tân tiến hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi nước này đã tiếp cận được công nghệ tinh vi hơn, Mỹ và các đồng minh vẫn có thể dễ dàng kiềm chế Bình Nhưỡng phát triển thêm về tên lửa. Để tấn công Hawaii và các mục tiêu trên đất Mỹ, theo các nhà phân tích, lượng chất nổ của Taepodong-2 cần phải giảm xuống còn 200-300kg, bởi một lượng chất nổ 1.000kg có thể làm giảm tầm bắn xuống một nửa.
 
Thực tế, Taepodong-2 có thể mang một lượng chất nổ lớn vượt qua khoảng cách ước tính từ 4.000 tới 4.300km. Trong khi đó, Washington nằm cách Triều Tiên đến 10.700km. Nếu Triều Tiên dựa vào các nguồn lực nước ngoài để có được các bộ phận quan trọng, điều đó có nghĩa là chương trình phát triển tên lửa ở trong nước của Triều Tiên vẫn hạn chế hơn nhiều so với bên ngoài.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.