.

Châu Âu hóa giải bài toán khí đốt

.

Sau hơn 7 năm đàm phán, cuối cùng dự án Nabucco cũng đã được Thổ Nhĩ Kỳ và 4 quốc gia châu Âu thông qua. Với người dân châu Âu, họ thở phào nhẹ nhỏm, bởi không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi Nga và Ukraine có vấn đề nảy sinh xung quanh quyền lợi trên đường ống dẫn khí đi qua Ukraine. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ coi đây là bước tiến quan trọng để hiện thực hóa hơn nữa tầm nhìn chung về hành lang năng lượng mới giữa Mỹ và châu Âu.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt Nabucco dài 3.300 km dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014.

Các cuộc đàm phán về dự án Nabucco được khởi động năm 2002 với mục đích giảm bớt sự phụ thuộc về khí đốt vào Nga và gia tăng an toàn năng lượng. Châu Âu đã hối thúc dự án này sau các cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine về giá khí đốt khiến việc vận chuyển khí đốt sang các nước châu Âu bị ngưng trệ. Thổ Nhĩ Kỳ và 4 quốc gia châu Âu đã ký thỏa thuận xây dựng đường ống Nabucco nhằm đưa khí đốt từ khu vực Trung Á tới châu Âu. Nabucco dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2014 với chi phí xây dựng ước tính vào khoảng 10,9 tỷ USD.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng 4 nước châu Âu gồm Bulgary, Rumani, Hungary và Áo đã đạt được thỏa thuận liên Chính phủ về dự án Nabucco tại một hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki và Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvilialso cũng tham dự lễ ký kết. Trong bài phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Barroso cho rằng, đó là một ngày lịch sử cho an ninh năng lượng của châu Âu, cũng như mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia liên quan.

Được Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ủng hộ, hệ thống đường ống khí đốt dài 3.300km dự kiến sẽ vận chuyển 31 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ biển Caspi ở Trung Á ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ tới các quốc gia châu Âu, đi vòng qua Nga, nước hiện đang cung cấp 1/4 nhu cầu khí đốt của châu Âu. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho hay, ông hy vọng các nước như Azerbaijan, Turkmenistan, Iraq, Syria, Ai Cập và Qatar sẽ cùng đóng góp vào việc cung cấp khí đốt cho đường ống Nabucco. Nga và Iran cũng có khả năng trở thành các nhà cung cấp cho đường ống này.

Hệ thống ống dẫn khí do Mỹ hậu thuẫn này được coi là đối thủ chính của hệ thống ống dẫn dầu South Stream (Dòng chảy phương Nam) của Nga chạy từ Trung Á qua Nga, Ukraine, bán đảo Balkans đến Italia, do tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom cùng với tập đoàn Eni của Italia hợp tác xây dựng.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.