.

Châu Phi sau chuyến “trở về” của Obama

.

Với lý lịch xuất thân của mình, chuyến công du lịch sử đầu tiên của Obama sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ tới đại lục đen cuối tuần qua đang mang lại nhiều niềm hy vọng cho những người dân châu Phi, nhiều hơn các vị tiền nhiệm Clinton và Bush. Mặc dầu điểm đến lần này là Ghana, không phải quê nội Kenya, nhưng được xem là chuyến “trở về” của Obama, nơi ông có dịp truyền đi các thông điệp và cam kết của mình một cách trực tiếp với người dân châu Phi nói chung và Ghana nói riêng.

Người dân Ghana nhảy múa chào đón sự “trở về” của Tổng thống Obama trên đường phố Accra.

Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên cho biết: “Tôi đến Ghana với một lý do đơn giản. Thế kỷ 21 sẽ phát triển từ những gì xảy ra không chỉ ở Rome, hay Moscow hoặc Washington, mà còn bởi những gì xảy ra ở Ghana”. Đưa ra thông điệp “Tương lai châu Phi phụ thuộc vào người châu Phi”, ông Obama thừa nhận, dấu ấn của chủ nghĩa thực dân góp phần vào việc gây ra xung đột tại châu lục. Nhân cơ hội này, ông Obama muốn thúc đẩy dân chủ trên toàn châu Phi. Phát biểu trước Quốc hội Ghana, Obama khẳng định, sự cai quản tốt là điều sống còn để phát triển.

Nhà lãnh đạo Nhà Trắng cũng cho biết, có nhiều thách thức lớn chờ đợi người châu Phi trong thế kỷ mới, nhưng Mỹ cam kết sẽ giúp đỡ châu lục này. “Tôi muốn bảo đảm rằng, việc tới thăm một nước châu Phi sau hội nghị G-8 và sau chuyến công du tới Moscow thể hiện rõ là, châu Phi không tách rời khỏi những công việc thế giới. Những gì xảy ra ở đây sẽ có ảnh hưởng với mọi nơi khác”, Obama nhấn mạnh.

Đáp lại thiện chí của mình, Ghana đã long trọng tổ chức đón tiếp Tổng thống gốc Phi đầu tiên của Mỹ bằng những điệu múa bản địa và hát hò trên khắp các đường phố. “Chúng tôi sẽ cấm mọi tang lễ ở Cape Coast, bởi vì chúng tôi muốn một lễ đón tiếp phù hợp với Tổng thống Mỹ. Người chết thì có thể chôn sau, chứ Obama chỉ tới đây một lần và chúng tôi phải tiếp đón chu đáo”, một vị bộ trưởng có tên là Ama Benyiwaa Doe cho biết.
 
Ông Obama cũng hoan nghênh những thành tựu mà Ghana có được về mặt cai quản chính quyền, tăng trưởng kinh tế. Mở rộng hơn thông điệp của mình, Tổng thống Mỹ đưa ra bốn nhân tố quyết định tương lai của châu Phi là dân chủ, thời cơ, sức khỏe và giải pháp hòa bình cho xung đột. Đặc biệt, chuyến thăm châu Phi diễn ra ngay sau khi các nước G-8 cam kết hơn 20 tỷ USD hỗ trợ chương trình lương thực và xóa đói cho các nước châu Phi, đang tiếp thêm hy vọng của hàng triệu người dân ở lục địa đen.

Song, dù ngay cả khi ông Obama có bày tỏ sự thấu hiểu những khó khăn của châu Phi một cách hết sức cá nhân trên một trang web của châu Phi rằng, “Tôi có những người thân trong gia đình sống ở những ngôi làng nơi mà nạn đói là có thật”, thì vấn đề cũng không thể dễ dàng giải quyết được trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới.

Các chương trình do Mỹ tài trợ tại đây, như hỗ trợ y tế cho người nhiễm HIV/AIDS, đang gặp nhiều thử thách. Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng đang lan tràn. Dẫu vậy, việc ông Obama chọn điểm đến Ghana cũng là một tín hiệu đáng mừng, để người dân châu Phi có quyền hy vọng vào sự khởi động các chính sách mới của Mỹ nhằm vào châu Phi trong thời gian tới. Theo giới phân tích, mặc dầu thời gian chuyến thăm rất ngắn ngủi, Tổng thống Mỹ muốn gửi một thông điệp: Coi Ghana - nước đã tổ chức nhiều cuộc bầu cử dân chủ thành công - như một mẫu hình cho toàn châu Phi.

Tuy nhiên, điều quan trọng là thế giới ngày nay đang có nhiều thay đổi, từ trạng thái đơn cực chuyển sang đa cực, thì vị trí châu Phi cũng đang ngày có tiếng nói quan trọng trên diễn đàn quốc tế. Obama cũng đã nhận thấy điều này và khẳng định, châu Phi không tách rời khỏi những công việc thế giới. Những gì xảy ra ở đây sẽ có ảnh hưởng với mọi nơi khác. Đặc biệt, hiện nay Ghana sở hữu một số mỏ dầu, nguồn năng lượng mà nền kinh tế Mỹ đang phụ thuộc.
 
Theo ước tính của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ, đến năm 2015, 20% lượng dầu khai thác được tại châu Phi sẽ chảy về Washington. Song mọi chuyện không dễ khi Trung Quốc đã có bước đi trước và hiện diện ngày càng lớn mạnh tại châu Phi. Nhà phân tích kinh tế Adama Gaye khẳng định: “Mỹ cần biết rằng, châu Phi có sự lựa chọn.

Ngày nay Mỹ là một đất nước phá sản, trong khi Trung Quốc nổi lên như một thế lực với sức mạnh tài chính và chiến lược phù hợp”. Rõ ràng, với việc Trung Quốc tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, đường sắt, cảng... tại khu vực này để đổi lấy dầu của Sudan, quặng bô-xít của Guinea hay ca cao của Ghana, đang khiến Mỹ lo ngại về sự đứng chân của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh tại châu Phi, buộc Mỹ cần có thái độ ứng xử thích hợp với lục địa đen này.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.