.

Chủ tịch Trung Quốc về nước giải quyết tình hình ở Tân Cương

.

Sáng 8-7, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đột ngột rời Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) tại Italia sớm hơn dự định, để về nước giải quyết tình hình phức tạp đang tiếp diễn tại Khu tự trị Tân Cương.

Lực lượng an ninh phong tỏa những đường phố chính ở Urumqi.

Theo lịch trình, sau khi tham dự Hội nghị G-8 tại Italia khai mạc vào hôm 8-7, ông Hồ Cẩm Đào sẽ đến thăm chính thức Bồ Đào Nha vào ngày 10-8. Tuy nhiên, ông đã phải cắt ngang lịch trình để về nước và dời lại chuyến thăm Bồ Đào Nha vào dịp khác. Ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện, kiêm Thứ trưởng Ngoại giao sẽ thay mặt ông Hồ Cẩm Đào dự Hội nghị G-8 và hội nghị giữa G-8 với các nước đang phát triển.

Sáng 8-7, thành phố Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương, đã trở lại yên bình, ngoại trừ tiếng các binh sĩ hô vang khẩu hiệu khi thực hiện bài tập thể dục buổi sáng. Bí thư Khu tự trị Tân Cương, ông Vương Lạc Tuyền cho biết, lệnh giới nghiêm được ban hành tại Urumqi, từ 21giờ tối 7-7 đến 8giờ sáng 8-7 nhằm ngăn chặn các vụ bạo loạn leo thang. Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nêu rằng, cuộc bạo động ở Urumqi là “tội ác giết người, đốt phá và cướp bóc”. “Bất cứ ai gọi đây là một cuộc biểu tình hòa bình là cố tình đổi trắng thay đen nhằm làm chệch hướng dư luận”.

Bày tỏ quan ngại trong bối cảnh bạo động sắc tộc tại Khu tự trị Tân Cương, Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế. Đức và Pháp cùng với Australia cũng lên tiếng quan ngại về các vụ đụng độ đẫm máu trong những ngày qua ở Tân Cương.

Bà Navi Pillay, quan chức hàng đầu về nhân quyền của LHQ, đã hối thúc các nhà lãnh đạo dân sự người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, cũng như nhà chức trách Trung Quốc thể hiện sự kiềm chế, để ngăn ngừa tình trạng bạo lực lan rộng hơn tại Tân Cương. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm Nga tuyên bố: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước tin tức về rất nhiều người thiệt mạng và bị thương trong vụ bạo lực tại Urumqi ở phía Tây Trung Quốc”.

Theo nguồn tin cảnh sát, hiện nay chính quyền địa phương đã huy động lực lượng an ninh 20.000 người, gồm cảnh sát vũ trang, cảnh sát đặc nhiệm, lính cứu hỏa và binh sĩ quân đội để lập lại trật tự trong thành phố Urumqi. Hãng tin AP cho biết, trực thăng đã được huy động để thả tờ rơi kêu gọi người dân thành phố Urumqi bình tĩnh.

Trong khi đó, một vài nơi trong thành phố, người dân địa phương đã tạo nên các hàng rào cản bằng đồ đạc trong nhà nhằm ngăn chặn bạo lực tái phát. Wang, một cư dân người Hán, cho biết: Chính phủ thông báo với chúng tôi rằng, hôm nay sẽ không có bất kỳ cuộc bạo loạn nào xảy ra, và kêu gọi mọi người không sử dụng vũ khí”. Theo Giám đốc Sở Công an Tân Cương, ông Lưu Dược Hoa, nhiều trạm kiểm soát đã được thiết lập bổ sung tại các khu vực chủ chốt ở Urumqi và một số vùng ngoại ô để ngăn chặn bạo lực tái bùng phát.

Cảnh sát cũng thu thập được một số thông tin cho thấy, các đối tượng gây rối đang âm mưu tiếp tục kích động bạo loạn ở một số thành phố khác trong khu vực. Các đội cảnh sát đã phong tỏa những đường phố chính, trong khi nhân viên an ninh trang bị vũ khí đi tuần khắp các con phố. Nhiều người cho biết, cuộc bạo loạn đẫm máu hôm 5-7 đã để lại cơn tức giận không thể nguôi ngoai trong lòng người Hán.

Chính phủ Trung Quốc cáo buộc những người Duy Ngô Nhĩ đòi ly khai, đã gây ra cuộc bạo loạn đẫm máu trong những ngày qua tại Urumqi. Đợt bạo loạn này được cho là bắt nguồn từ một vụ va chạm giữa công nhân người Duy Ngô Nhĩ và người Hán tại một nhà máy sản xuất đồ chơi ở thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, cách Tân Cương hàng nghìn km.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố, các vụ gây bạo lực tại Khu tự trị Tân Cương không phải là một cuộc biểu tình hòa bình mà là hành động phá hoại. Ông Tần Cương khẳng định, chính quyền sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên trong và ngoài nước đưa tin về tình hình Khu tự trị Tân Cương. Trong khi đó, cơ quan lãnh sự của Trung Quốc ở La Hay, Hà Lan phải đóng cửa vì lý do an ninh, sau khi bị những người biểu tình ném đất đá vào bên trong.

Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Muy-ních của Đức cũng bị những người lạ mặt tấn công. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã kịch liệt lên án hành động tấn công các phái bộ ngoại giao của nước này ở Hà Lan và Đức. Ông Tần Cương đề nghị chính quyền nước sở tại tôn trọng các thỏa thuận quốc tế và có biện pháp bảo đảm an toàn cho các cơ quan ngoại giao, cũng như các nhà ngoại giao Trung Quốc.  

Lực lượng an ninh phong tỏa đường chính ở Urumqi.

 

Trước đó, hôm 7-7, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 1.434 người sau khi tổng số người chết lên tới 156 người và hơn 1.000 người bị thương. Bên cạnh thủ phủ Urumqi, một cuộc biểu tình khác gồm khoảng 200 người cũng nổ ra tại thành phố thứ hai ở Tân Cương là Kashgar. Cảnh sát cho biết, rất có thể sẽ có thêm  nhiều cuộc bạo động nữa tại Kashgar và hai đô thị khác là Yili và Aksu.

Theo Chính quyền Khu tự trị Tân Cương, có bằng chứng cho thấy nhóm ly khai thiểu số Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới (WUC), có trụ sở tại Mu-ních (Đức), đã lập kế hoạch và chỉ đạo vụ bạo loạn. Tuyên bố của chính quyền Khu tự trị Tân Cương nêu rõ: “Đây là vụ bạo lực có tổ chức, được lên kế hoạch từ trước và được chỉ đạo trực tiếp từ nước ngoài”.

Chủ tịch Khu tự trị Tân Cương, ông Nur Bekri, tố cáo các lực lượng khủng bố, ly khai và cực đoan đã lợi dụng vụ bất đồng giữa các công nhân người Duy Ngô Nhĩ và người Hán tại một nhà máy sản xuất đồ chơi ở tỉnh Quảng Châu để kích động bạo loạn. Ông Nur Bekri khẳng định, nhà chức trách sẽ sử dụng biện pháp mạnh nhất có thể để ngăn chặn bạo loạn. Hãng China News Service dẫn lời ông Nur Bekri nói: “Tình hình hiện nay rất phức tạp. Tân Cương sẽ ngăn chặn bạo lực lây lan bằng cách sử dụng những những biện pháp và phương thức mạnh mẽ nhất và bảo vệ sự ổn định khu vực”.
 
GIA HUY

;
.
.
.
.
.