.
Cuộc gặp Medvedev-Obama

Xóa bỏ bức màn sắt thời Chiến tranh Lạnh

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Moscow hôm 6-7 với nỗ lực “điều chỉnh” quan hệ Mỹ-Nga vốn rơi xuống mức tồi tệ thời hậu Chiến tranh Lạnh dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush.

Cuộc gặp Medvedev-Obama sẽ xoay quanh nội dung quan hệ song phương và những vấn đề quốc tế mang tính thời sự nhất hiện nay.  

Vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga là xem lại những tiến bộ trong tiến trình tìm kiếm thỏa thuận thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START I) sắp hết hạn. Đây được xem là cuộc gặp quan trọng nhất giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Gorbachev và Bush cha gặp nhau để quyết định xóa bỏ bức màn sắt của thời Chiến tranh Lạnh. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga cũng dự kiến sẽ ký một thỏa thuận cho phép Mỹ thiết lập cầu không vận ngang qua lãnh thổ Nga để chuyên chở, tiếp liệu quân sự cho lực lượng do Mỹ chỉ huy ở Afghanistan. 

Ngay trước khi ông Obama đặt chân đến thủ đô Moscow, người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố hai nước lạc quan vừa phải về việc đạt được một hiệp định cắt giảm vũ khí mới. Tổng thống tiền nhiệm Bush từng phát biểu với Tổng thống Nga Putin lúc đó rằng, ông đã nhìn vào mắt Putin và thấy được tâm hồn của Putin cũng như tin tưởng ông ấy, nhưng rút cục lại phản đối một bản hiệp ước mới.

Lý do là bởi trong quan hệ Nga-Mỹ thời đó, Nga vẫn ở thế yếu và bởi ông Bush lo ngại một bản hiệp ước mới sẽ “công bằng” hơn bản hiệp ước cũ. Tạp chí Time từng cho rằng, START I hoàn toàn “có lợi” cho Mỹ. Tuy nhiên, chính sách của Tổng thống Obama hoàn toàn khác Bush và vị thế của nước Nga giờ đã hồi phục đáng kể.

Tổng thống da màu của Mỹ đã tỏ ý sẵn sàng hợp tác trong việc cắt giảm vũ khí. Còn Nga, sau những năm tháng khó khăn về kinh tế đã không còn “nhún nhường” Mỹ như trước mà quyết liệt hơn trong những động thái chính trị của mình. Đây chính là thời điểm thuận lợi để hai bên xây dựng “lòng tin thực sự” vốn rất hiếm hoi giữa hai cựu thù.

Bản hiệp ước nếu được thông qua sẽ chứng minh hai cường quốc này có thể hợp tác với nhau ở một trong những vấn đề gai góc nhất và nhạy cảm nhất. Không những thế, vì Nga và Mỹ đang nắm giữ tới 90-95% số vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nếu hai nước này có thể đi đến nhất trí về việc cắt giảm vũ khí thì nó sẽ tăng đáng kể trọng lượng cho tiếng nói của Nga và Mỹ, khi họ thuyết phục CHDCND Triều Tiên và Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Trước đó, ông Medvedev khẳng định rằng, trước hết Washington phải nhượng bộ trong kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Trung Âu. Về phía mình, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nga Novaya Gazeta trước khi gặp ông Medvedev, nhà lãnh đạo Mỹ đã nhắc lại lập trường của Mỹ là hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu chỉ nhằm chống lại đe dọa từ phía Iran, chứ không nhằm vào Nga. 

Tuy nhiên, hôm 3-7, điện Kremlin đã xác nhận Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev sẽ ký một tuyên bố khung về cắt giảm vũ khí, cùng các thỏa thuận tăng cường quan hệ quân sự song phương, cũng như về trung chuyển vũ khí qua lãnh thổ Nga vào Afghanistan.
 
Phía Nga hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận về hiệp ước mới vào cuối năm nay hoặc là đầu năm 2010. Giới phân tích nhận định, chuyến công du đầu tiên của ông Obama đến Moscow sẽ đem lại những thành quả đầu tiên, vì cả Kremlin và Nhà Trắng đều chứng tỏ nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước bị nhiều xung khắc dưới thời Tổng thống Bush. Chính Tổng thống Nga đã ghi nhận, Chính phủ do Tổng thống Obama điều hành đã chứng tỏ quyết tâm thay đổi tình thế, vun đắp quan hệ với Nga một cách xây dựng. Phía Nga cũng sẵn sàng đáp ứng.
 
Dưới thời Bill Clinton và Bush, Mỹ luôn ở thế thượng phong, chỉ “nhận” mà không biết “cho”. Tuy nhiên, trong chuyến công du Nga đầu tiên của ông Obama lần này, điều mà nhà lãnh đạo Nhà Trắng phải nắm rõ là đã đến lúc Mỹ nên biết “cho” sau khi “nhận”. 
 
GIA HUY

;
.
.
.
.
.