.

Đã có hơn 700 người tử vong vì cúm A/H1N1

.

* Úc thử nghiệm vắc-xin cúm A/H1N1 trên người

Đại dịch cúm A/H1N1 đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người trên thế giới.
Theo số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 21-7, kể từ khi bùng phát cách đây 4 tháng, đại dịch cúm A/H1N1 đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người trên thế giới. Con số này cao hơn 30% so với tổng số 429 ca tử vong mà WHO công bố ngày 6-7 vừa qua.

Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO, cảnh báo hiện dịch cúm A/H1N1 là không thể ngăn chặn được và có thể trở thành đại dịch cúm với quy mô lớn chưa từng có.

Tuy nhiên, theo WHO, trong đa số các trường hợp, diễn tiến bệnh thường không nghiêm trọng. Các bệnh nhân đều có thể phục hồi kể cả khi không cần điều trị y tế và thường chỉ bị ốm một tuần.

WHO cũng cho rằng với tốc độ lây lan hiện nay, việc ghi nhận hồ sơ từng vụ là vô ích, vì loại virus chết người này đã lây lan rộng trong cộng đồng. Trong các đợt trước, virus cúm thường mất hơn 6 tháng để lây lan, trong khi virus A/H1N1 đã lây lan trong vòng chưa đến 6 tuần.

Trong bối cảnh các nước đang phải đối mặt với dịch cúm A/H1N1 ở những mức độ khác nhau phụ thuộc vào từng thời điểm, WHO khuyến cáo các nước nên tự cân nhắc các biện pháp phòng tránh phù hợp với điều kiện cũng như tình hình.

Liên quan đến đại dịch cúm A/H1N1, báo cáo ngày 21-7 của Liên hợp quốc nêu rõ khả năng cúm A/H1N1 có thể tác động đến những nước bị đói nghèo và xung đột hoành hành, và gây ra một cuộc khủng hoảng "nghiêm trọng" mới ở những khu vực này.

Người phụ trách công tác nhân đạo của Liên hợp quốc John Holmes cho biết trong kế hoạch đưa ra nhằm đối phó với nguy cơ dịch cúm lây lan đến các vùng nghèo đói và xung đột, cơ quan này cũng đặc biệt chú trọng đến việc phòng tránh lây nhiễm cúm cho các nhân viên cứu trợ cũng như các nhóm người ở vào những hòan cảnh dễ bị lây nhiễm bệnh.

Ngày 21-7, khoa sản ở bệnh viện Bad Oldesoser Asklepios ở Đức đã phải đóng cửa do dịch cúm A/H1N1. Đây là bệnh viện thứ hai ở nước này có khoa sản phải ngừng hoạt động, sau bệnh viện ở Luebeck, do cả nhân viên lẫn các bà mẹ mang thai, thậm chí cả trẻ sơ sinh, bị đã nhiễm virus cúm A/H1N1.

Lãnh đạo hai bệnh viện trên cảnh báo virus cúm A/H1N1 đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai do nguy cơ sinh con dị dạng và đẻ non rất cao.

* Giữa lúc số trường tử vong vì cúm A/H1N1 tăng nhanh, hôm nay (22-7), Úc bắt đầu thử nghiệm trên người vắc-xin cúm A/H1N1.

Khoảng 240 người lớn và 400 trẻ em đã tham gia vào việc thử nghiệm tại Bệnh viện Royal Adelaide với niềm hy vọng của chính phủ nước này là bắt đầu tiêm chủng trên diện rộng trong vòng vài tháng.

Bộ Trưởng Y tế Úc Nicola Roxon cho rằng, ngay khi khẳng định chủng vắc-xin này an toàn và hiệu quả, chắc chắn rằng nó có thể đưa vào sử dụng trong cộng đồng. 

Úc đã đặt trước 21 triệu liều vắc-xin từ Công ty CSL Biotherapies sau khi bị nạn dịch cúm A/H1N1 tấn công và có hơn 14 ngàn trường hợp nhiễm cúm và 38 người đã chết do bệnh này. Một con số tồi tệ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các nhà khoa học sợ rằng cúm lợn, vốn được tin rằng khá lành tính, có thể biến đổi thành một thể nguy hiểm hơn theo cách thức mà nạn đại dịch hoành hành ở Tây Ban Nha và châu Á vào năm 1918 và 1958.

Nữ phát ngôn của Công ty CSL, Rachel David cho biết nhiều người tình nguyện cho việc thử nghiệm bởi vì họ muốn không bị nhiễm bệnh này. Bà nói rằng việc thử nghiệm sẽ áp dụng cho các trẻ từ 6 đến 9 tuổi và việc thử sẽ bao gồm 2 mũi tiêm và 2 lần xét nghiệm máu để theo dõi kết quả.

Q. Hiển (Theo TTXVN, AFP)

;
.
.
.
.
.