.

G8 đặt các mục tiêu mới về sự nóng lên toàn cầu

.
(ĐNĐT) - Hướng đến vấn đề nóng lên của trái đất, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo khác thuộc các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới hôm qua (8-7) đã tuyên bố sẽ theo đuổi việc cắt giảm đáng kể khí thải nhà kính đến năm 2050 để làm chậm lại sự thay đổi khí hậu đang diễn biến khó lường.

 
Các lãnh đạo G8 tại hội nghị thượng đỉnh ở Italia. Ảnh: AP
Đặt một mục tiêu cho sự thành công, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo đã thống nhất rằng nhiệt độ toàn cầu không được tăng quá 2 độ.

Ông Obama và các nhà đồng cấp các nước công nghiệp hàng đầu - G8, đã thống nhất rằng nhiệt độ toàn cầu nên được hạn chế không tăng lên hơn 2 độ C, trong cuộc chiến chống lại các thay đổi của khí hậu do con người gây ra.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại thành phố L"Aquila, Ý đã đồng ý các quy định mới về cắt giảm khí thải carbon. Theo đó, các nước phát triển sẽ giảm khí thải carbon khoảng 80% đến năm 2050, và các nước còn lại cắt giảm 50% đến cùng thời điểm.

Tuy nhiên, các mục tiêu đặt ra không có tính ràng buộc và không có những dấu hiệu cho thấy chúng có thể thực hiện được. Các quốc giá giàu có đã không thể thuyết phục lãnh đạo các nước đang phát triển cam kết giảm bớt tình trạng ô nhiễm đang lan rộng. Bên cạnh đó, việc cắt giảm khí thải carbon chỉ là một mục tiêu và cần có sự hợp tác của các nền công nghiệp đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc và Ấn Độ.   

Kết quả đạt được tại hội nghị đã làm vừa lòng một số lãnh đạo châu Âu. Thủ tướng Anh Gordon Brown gọi tuyên bố của nhóm là một "thỏa thuận lịch sử." Thủ tướng Đức Angela Merkel nói đây là một "bước tiến rõ ràng". 

Thủ tướng Anh cho biết ông tự tin rằng các nước không thuộc G8 sẽ ủng hộ những cam kết này khi biến đổi khí hậu được đưa ra thảo luận hôm nay dưới sự chủ trì của Tổng thống Barack Obama. Ông Brown cho rằng thỏa thuận G8 đã mở đường cho một thỏa thuận toàn cầu tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở Copenhagen vào tháng 12 tới.

Chương trình nghị sự của hội nghị G8 cũng bao gồm sự suy thoái kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực, khủng bố, CHDCND Triều Tiên và Iran.

Hội nghị G8 còn có sự góp mặt của lãnh đạo hoặc đại diện nhóm G5 các nền kinh tế đang nổi lên gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, và Nam Phi. Các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ tham gia hội nghị vào ngày mai để thúc đẩy một sáng kiến mới nhằm hỗ trợ nông nghiệp ở các nước đang phát triển và đối phó với nạn đói toàn cầu.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bay về Bắc Kinh để giải quyết tình trạng náo loạn vẫn đang tiếp diễn ở Tân Cương.

N.L (Theo BBC, Reuters)
;
.
.
.
.
.