Hôm 30-6 được đánh dấu là một ngày trọng đại trong lịch sử Iraq và được gọi là “Ngày Chủ quyền Quốc gia”, sau khi các lực lượng Iraq nắm quyền kiểm soát chính thức thủ đô Baghdad và các thành phố khác từ tay quân đội Mỹ, trong một bước tiến tới chấm dứt vai trò tham chiến của Mỹ ở nước này. Thời điểm này là mốc quan trọng trong hành trình của Iraq hướng tới giành chủ quyền hoàn toàn, thoát khỏi sự chiếm đóng của quân đội Mỹ.
Niềm hạnh phúc của người dân Iraq vỡ òa theo tiếng nhạc. |
Waleed al-Bahadili, một người chủ trì bữa tiệc tại công viên cho biết: “Tất cả - những người Shiitte, Sunni và người Kurd, đều hạnh phúc trong ngày hôm nay”. Thủ tướng Al-Maliki đã thông báo ngày nghỉ lễ và tuyên bố ngày 30-6 là “Ngày Chủ quyền Quốc gia”.
Buổi chuyển giao quyền lực tràn đầy niềm tự hào của mỗi người dân Iraq, nhưng cũng kèm theo cả nỗi lo lắng về khả năng các lực lượng của Chính phủ chưa sẵn sàng và bạo lực sẽ gia tăng. Người Shiitte e ngại sẽ còn là nạn nhân của những vụ đánh bom từ phía các phiến quân Sunni; người Sunni thì hoang mang khi lực lượng an ninh Iraq với thành phần đa số là những người Shiitte sẽ cho họ ít sự bảo vệ.
Nếu người Iraq có thể giảm bớt được bạo lực, thì họ sẽ chứng tỏ đất nước mình cuối cùng đã đứng trên con đường tới ổn định. Nếu lực lượng Iraq có thể kiềm chế bạo lực trong vòng vài tháng tới, điều này sẽ chứng tỏ đất nước đang trên đường tiến tới ổn định. Tuy nhiên nếu thất bại, Iraq sẽ đối mặt với cuộc đổ máu mới, quốc gia bị chia rẽ bởi bất đồng giáo phái.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải đối mặt với thách thức trước chính cam kết của ông chấm dứt cuộc chiến tranh gây nhiều tranh cãi, đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.300 lính Mỹ và hàng nghìn người Iraq. Chỉ huy quân sự Mỹ tại Iraq, tướng Ray Odierno cho rằng, ông tin đây là thời điểm đúng để rút quân. “Tôi tin họ đã sẵn sàng, tôi đã chứng kiến sự cải thiện không ngừng trong lực lượng an ninh, cũng như trong điều hành Chính phủ”, ông nói.
Tuy nhiên, có lẽ Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã khiến giới lãnh đạo Mỹ “phật ý” khi cho rằng, ngày 30-6 là ngày chủ quyền và việc rút quân của Mỹ là chiến thắng vĩ đại của người Iraq trong việc đẩy lùi quân xâm lược. Điều này phản ánh một thực tế vẫn tồn tại lâu nay: người Mỹ tự coi hành động của họ là giúp đỡ người Iraq giải thoát khỏi chế độ Saddam Hussein để tiến tới một xã hội dân chủ, cởi mở hơn.
Nhưng với người Iraq hay rất nhiều người dân các nước khác trên thế giới, thì việc Mỹ đưa quân vào đánh Iraq mà không được sự đồng ý của LHQ và không có nguyên cớ xác đáng là việc “xâm chiếm” Iraq và trái với luật pháp quốc tế. Đó cũng là lý do tại sao mà trong khi người Mỹ lo ngại rằng, sau khi quân Mỹ rút đi, đất nước Iraq sẽ rơi vào thảm kịch anh em một nhà đánh lẫn nhau, thì người Iraq lại chỉ quan tâm rằng, họ sẽ lấy lại được chủ quyền của mình, sẽ được quyết công việc của mình và được nói tiếng nói của mình.
BĂNG CHÂU