.

Mỹ-Trung tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Iran

.

Sau các cuộc hội đàm cấp cao ở Washington với đoàn đại biểu đến từ Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí phản đối Iran trở thành một nước có vũ khí hạt nhân. Bà Hillary Clinton cho các phóng viên hay, bà rất hài lòng khi Trung Quốc chia sẻ các mối lo ngại của Mỹ về việc Iran trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary và Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại cuộc đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung.

Cả hai nước đều quan ngại rằng, chương trình hạt nhân Iran có thể sẽ làm bùng nổ một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. “Bất ổn tiềm tàng ở Trung Đông và Vùng Vịnh được xem là tương tự nhau”, Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh. Trước đó, mở đầu cuộc đối thoại Mỹ - Trung ngày thứ hai, Ngoại trưởng Mỹ Hillary cho biết, phía Mỹ rất hài lòng về kết quả cuộc thảo luận ngày 27-7 và đánh giá cuộc đối thoại là rất cởi mở và hiệu quả.
 
Mỹ mong muốn Trung Quốc gia tăng sức ép đối với chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên cho biết, Ngoại trưởng Hillary đang chuẩn bị các cuộc đàm phán với người đồng cấp Anh, David Miliband về các vấn đề liên quan đến Iran, Afghanistan, Trung Đông và CHDCND Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác liên quan đến Iran, các nhà chức trách nước này cho biết, khoảng 140 người bị bắt trong các cuộc biểu tình tại Tehran tháng trước vừa được trả tự do khỏi nhà tù Evin. Khoảng 200 người khác, bị cáo buộc các tội danh nặng hơn, vẫn tiếp tục bị giam giữ để điều tra. Quyết định thả một số người biểu tình trên được thực hiện sau khi lãnh đạo tối cao Iran yêu cầu đóng cửa một trung tâm giam giữ khác, bởi vì nơi đó không bảo đảm quyền lợi cho tù nhân. Động thái bất thường trên chứng tỏ những áp lực mà các nhà lãnh đạo Iran đang phải chịu liên quan đến những người bị bắt. Tuy nhiên, theo giới quan sát, phe đối lập vẫn tỏ ra nghi ngờ sự thay đổi thái độ này.

Hôm 28-7, các quan chức Iran thông báo, 30 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và những người ủng hộ phe đối lập, tăng 1/3 so với con số được xác nhận trước đó. Kazem Jalali - thành viên Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh quốc gia Iran - cho biết, những người được trả tự do là những đối tượng phạm tội nhẹ. Không một nhân vật chính trị nổi tiếng nào nằm trong số này. Cũng theo ông Jalali, 150 người vẫn còn ở trong tù vì bị tình nghi mang vũ khí và bom, phá hoại tài sản công cộng trong khi biểu tình. Khoảng 50 người khác được cho là tác nhân gây bất ổn và một vài người trong số họ là thành viên của các tổ chức phản cách mạng.

Tuy nhiên, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vừa ra lệnh trả tự do nhanh chóng cho tất cả những tù nhân chính trị không phạm tội nghiêm trọng. Ông nói: “Chúng tôi muốn gia đình họ vui vẻ vì người thân được tự do. Họ nên có mặt ở nhà vào dịp kỷ niệm sinh nhật Imam Mahdi ngày 7-8”. Những người ủng hộ phong trào biểu tình cho rằng, thực tế, số người bị bắt có thể lên đến hàng nghìn, còn số người chết vào khoảng gần 100. Hiện, hai ứng cử viên đối lập Mir Hossein Mousavi và Mehdi Karroubi đã đề nghị Bộ Nội vụ Iran cho phép tổ chức một cuộc tuần hành tưởng nhớ những người thiệt mạng vào ngày 30-7, song bộ này đã từ chối.
 
GIA HUY
(Tổng hợp từ BBC, AFP)

;
.
.
.
.
.