.
Nhật Bản:

Khi kinh tế tác động đến chính trị

.

Theo báo New York Times, từ khi bị mất việc ở một công ty điện tử lớn cách đây 7 năm và mức lương hiện tại thấp hơn một nửa so với trước, ông Saburo Toyoda - nhân viên bán hàng 54 tuổi - cảm thấy buồn chán với sự trì trệ kéo dài ở Nhật Bản. Cũng giống như những người dân Nhật Bản khác, bây giờ ông muốn một “cuộc cách mạng” đối với nền chính trị của nước này: thay thế đảng Dân chủ Tự do (LDP) vốn cầm quyền hơn nửa thế kỷ.

Thủ tướng Taro Aso xin lỗi về những thất bại của đảng Dân chủ Tự do sau khi tuyên bố giải tán Hạ viện. (Ảnh: Reuters)

“Đã đến lúc cần những ý tưởng mới và những gương mặt mới”, ông Toyoda nói. Ông là một trong hàng nghìn người làm công ăn lương đấu tranh để thích nghi được với một kỷ nguyên bấp bênh trong công việc và mức sống sụt giảm. Những năm gần đây, ở Nhật Bản đang gia tăng tâm lý thất vọng trong dân chúng, nhất là từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, mang lại hình ảnh xa lạ với người dân xứ sở hoa anh đào: tình trạng ngừng sản xuất và những người thất nghiệp trên đường phố. Sự thất vọng này đang dâng cao khi các cử tri sắp bước vào cuộc bầu cử Quốc hội ngày 30-8 và họ hầu như chắc chắn sẽ phế truất LDP. Nhưng không phải tất cả người Nhật Bản đều lo lắng, một số người vẫn thờ ơ với tình hình chính trị bởi họ vẫn sống thoải mái trong bối cảnh nền kinh tế yếu kém.

Với uy tín sụt giảm của LDP, nhiều cử tri muốn dành sự ủng hộ cho đảng Dân chủ đối lập (DPJ) để tạo ra sự thay đổi cho đất nước. Một cuộc thăm dò do báo Yomiuri Shimbun, tờ báo lớn nhất Nhật Bản, thực hiện đối với 1.047 cử tri cho biết, có 30% người ủng hộ DPJ và 25% ủng hộ LDP. Những nỗ lực thực hiện cải cách và được lòng dân chúng của LDP dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi vào đầu những năm 2000 không thể “sống” lại vào thời điểm này để cứu vãn uy tín cho đảng cầm quyền.

“Hiện nay có cảm giác rằng Nhật Bản đang tê liệt và cần phải thay đổi”, Kazuhisa Kawakami, nhà khoa học chính trị ở Trường Đại học Meiji Gakuin tại Tokyo nói. Kết quả thăm dò dư luận đối với 3.302 người do Viện Toán học thống kê tài chính của Chính phủ thực hiện cho thấy, 58% số người được hỏi cho rằng họ đang sống tồi tệ, chỉ có 11% nói họ vẫn cảm thấy cuộc sống tốt hơn.

Khi nền kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng khoảng, đe dọa đến cuộc sống của cả người già lẫn trẻ, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản giảm hơn so với các nước phát triển khác. Hơn nữa, theo Bộ Lao động Nhật Bản, các công ty ở nước này còn tinh giảm khoảng 216.000 việc làm và các công nhân hợp đồng ngắn hạn từ tháng 10-2008. Hình ảnh hàng nghìn người mất việc biểu tình ở trung tâm Tokyo vào đầu năm nay khiến người dân và Chính phủ lo ngại về sự bất bình đẳng gia tăng trong xã hội. Lo lắng nhất vẫn là tương lai của thế hệ thanh niên Nhật.

Saburo Toyoda nói rằng, ông thất vọng về đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. (Ảnh: NYT)

 

Tháng 5-2009, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 15 đến 24 (không bao gồm sinh viên), tăng lên 9%, cao hơn 5,2% so với tất cả các nhóm tuổi. Báo chí cũng đưa hàng loạt thông tin rằng, khi các công ty bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng đã hủy bỏ các công việc vốn được đưa ra dành cho sinh viên sắp tốt nghiệp. Điều này dẫn đến hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp trong tháng 4 không có việc làm.

Năm 2008, Shiho, 23 tuổi, ở thành phố Kobe, phía tây Nhật Bản, được hứa sẽ tuyển dụng làm nhân viên văn phòng ở một công ty xây dựng lớn. Cô đã được đi đào tạo tại công ty này vào tháng 12 để sang đầu tháng 1-2009 sẽ chính thức bắt đầu công việc. Nhưng sau đó, mọi việc không như mong muốn, Shiho chỉ xin được làm nhân viên lễ tân của một khóa học chơi golf. Cô buồn và cảm thấy xấu hổ với bạn bè vì trước đó đã nói với mọi người về công việc lý tưởng ở công ty xây dựng kia.

Thậm chí, Shiho còn tránh trả lời tin nhắn của bạn bè, cho đến khi cô biết rằng các bạn của cô cũng lâm vào tình trạng tương tự, họ phải chấp nhận những công việc mà mình không yêu thích. Shiho nói rằng, cô và các bạn đều tin rằng đã đến lúc cần có sự thay đổi ở Nhật Bản mặc dù cô thừa nhận thanh niên nước này dự định không đi bỏ phiếu. Nhưng nếu tham gia bầu cử, cô sẽ không bỏ phiếu cho LDP trong khi cha mẹ của cô lại ủng hộ cho đảng cầm quyền. “Nếu DPJ sẵn sàng làm một điều gì đó mới mẻ, hãy cho họ một cơ hội”, Shiho nói.

PHÚC NGUYÊN

 

;
.
.
.
.
.