Chuyến công du Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào cuối tuần qua, đã bắt đầu khởi động lại một mối quan hệ mới vốn có nhiều điểm bất đồng trong quá khứ. Tuy nhiên, điều quan ngại lớn là sự hàn gắn bất đồng với New Dehli lần này không chỉ đơn thuần là mở rộng quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên tầm cao mới, mà còn là vì Mỹ muốn nâng cao quan hệ với Ấn Độ để thực hiện mục tiêu chiến lược của mình nhằm kìm hãm Trung Quốc.
Bà Clinton ca ngợi Ấn Độ với vai trò toàn cầu về thương mại, kiểm soát vũ khí và biến đổi khí hậu và cho rằng nước này có lợi ích gắn bó với Mỹ. |
Mỹ đề cao quan hệ với Ấn Độ trong bối cảnh, Ấn Độ đang là thế lực mới, khá to lớn và có tiềm năng mạnh mẽ, là đối trọng gần như duy nhất tại châu Á có đủ sức để so vai với Trung Quốc – một thế lực mới mà Mỹ không ngừng quan tâm và lo ngại trong nhiều năm gần đây.
Có thể nói, ở châu Á nhiều biến động, Ấn Độ có nhiều nét tương đồng nhưng cũng là đối trọng đủ sức nhất có thể kìm hãm được Trung Quốc. Do vậy, có những dự đoán rằng, Mỹ muốn nâng cao quan hệ với Ấn Độ còn có một mục tiêu chiến lược khác, đó chính là kìm hãm sức mạnh càng ngày càng lớn của Trung Quốc. Ấn Độ Dương là con đường huyết mạch vận chuyển năng lượng của Mỹ, đồng thời lại là phạm vi thế lực của Ấn Độ.
Do đó, Mỹ và Ấn Độ không lúc nào ngơi mắt theo dõi các động thái của Trung Quốc trên vùng biển Ấn Độ Dương và lân cận. Và với lợi ích gần gũi với nhau như thế, đã dần hiện ra những động thái phối hợp giữa Mỹ và Ấn Độ để ngăn chặn từ xa những ảnh hưởng có thể xảy ra mà Mỹ và Ấn Độ không mong muốn. Chuyến thăm và những lời “có cánh” của bà Clinton có thể là động thái rõ nét nhất trong thời gian qua. Vậy nên bây giờ thế giới có lẽ đang chờ đợi phản ứng của Trung Quốc hơn là chờ nghe những tuyên bố chung mà chắc chắn Mỹ - Ấn sẽ đạt được vào cuối chuyến thăm của bà Clinton.
Ấn Độ hiện là cường quốc kinh tế thứ 10 trên thế giới và có vị trí quan trọng trong các lĩnh vực hạt nhân, thương mại, thay đổi khí hậu. Ấn Độ cũng là một trong những nơi thường xảy ra các vụ đánh bom của các tổ chức khủng bố, vấn đề mà Mỹ rất quan tâm hiện nay. Nhân chuyến thăm này, bà Hillary liên kết biến cố 11-9 ở Mỹ và vụ tấn công khủng bố rung chuyển thủ đô kinh tế Ấn Độ từ ngày 24 đến 29-11-2008, làm gần 200 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Mỹ muốn đề cập tới chủ trương khủng bố tàn bạo đang diễn ra, mà thủ phạm là những kẻ quá khích, để kêu gọi toàn thế giới cùng nhau đánh tan lòng thù hận và cực đoan. Bà Hillary cam kết, Mỹ sẽ cùng các chính phủ Ấn Độ, Indonesia và các quốc gia, dân tộc khác đấu tranh vì hòa bình, an ninh chống lại các tổ chức cực đoan. Đặc biệt, bà Hillary cũng kêu gọi chính quyền New Dehli cùng Mỹ giúp đỡ đối thủ trong khu vực là Pakistan trong cuộc chiến chống lại phe Hồi giáo vũ trang. Bà cho biết, Washington và New Dehli sẽ phải khắc phục tình trạng không tin cậy lẫn nhau đã ngăn cản sự hợp tác của hai nước trong quá khứ.
Thách thức đối với bà Hillary trong chuyến thăm Ấn Độ lần này là Mỹ và Ấn Độ đang bất đồng với nhau trên nhiều lĩnh vực như cắt giảm lượng khí thải hay phê chuẩn hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ấn Độ không ký hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện trừ khi thế giới phi hạt nhân hóa. Mỹ muốn Ấn Độ thúc đẩy thỏa thuận năng lượng hạt nhân ký hồi tháng 10-2008, để các công ty Mỹ hoàn thành các hợp đồng xây dựng và cung cấp các nhà máy điện hạt nhân trị giá 175 tỷ USD. Nhưng trước cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Manmohan Singh không phê chuẩn thỏa thuận do sự phản đối của Đảng Cộng sản.
Tại New Dehli, nhiều người còn lo ngại Mỹ đang ưu tiên Pakistan, khi Tổng thống Barack Obama cần có sự giúp đỡ của Islamabad trong cuộc chiến chống khủng bố ở Pakistan và Afghanistan. Vì vậy, chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Clinton sẽ là nỗ lực cấp cao đầu tiên của chính quyền Obama nhằm giải quyết các bất đồng với chính phủ Ấn Độ, là cơ hội để khởi động việc giải quyết các bất đồng và đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước.
GIA HUY