.

Quan hệ liên Triều lại căng thẳng quanh chuyện tàu đánh cá

.

Hôm 30-7, Triều Tiên tuyên bố sẽ điều tra vụ việc tàu tuần tra nước này bắt giữ một tàu đánh cá Hàn Quốc và trao trả tàu này cho Seoul. Trước đó, cùng ngày, các quan chức quốc phòng Hàn Quốc thông báo rằng, một tàu đánh cá của Hàn Quốc đã bị Triều Tiên bắt giữ khi đang hoạt động ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.

Tàu đánh cá đang hoạt động cạnh tàu hải quân của Hàn Quốc ở gần khu vực biển Hoàng Hải tranh chấp với Triều Tiên.

Theo người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-joo, Triều Tiên khẳng định, họ đã nhận được thông báo từ phía Hàn Quốc và sẽ kiểm tra thêm tình hình. Ông Lee cho biết, Seoul đã yêu cầu Bình Nhưỡng “thả ngay lập tức” một tàu đánh cá cùng toàn bộ thuyền viên bị tàu Triều Tiên bắt giữ vào sáng cùng ngày, sau khi chiếc tàu này tình cờ vượt qua đường biên trên biển vào lãnh hải Triều Tiên. Bức điện được gửi qua đường điện thoại của giới chức hàng hải. Triều Tiên đã đáp lại thông báo của Hàn Quốc thông qua đường điện thoại liên Triều, được phép hoạt động hai lần một ngày theo thỏa thuận hàng hải giữa hai miền.   

Theo Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, khoảng 6 giờ 27 phút sáng 30-7 (giờ địa phương), một tàu đánh cá 29 tấn của Hàn Quốc, biển hiệu “800 Yeonan”, có 4 thuyền viên, đã bị một tàu tuần tra Triều Tiên bắt giữ. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng xác nhận, con tàu đã vượt qua hải giới, vào vùng biển của Triều Tiên do hệ thống định vị toàn cầu trên tàu bị trục trặc. 

Triều Tiên và Hàn Quốc có hiệp ước trao trả các tàu đánh cá bị lạc. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, trước đây, hai tàu đánh cá của Hàn Quốc vô tình đi lạc vào lãnh hải của Triều Tiên hồi tháng 4-2005 và tháng 12-2006 đã được phóng thích ngay sau khi bị bắt giữ.

Trong một động thái liên quan đến bán đảo Triều Tiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, ông sẵn sàng tới Triều Tiên để giải tỏa căng thẳng về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Ông nói: “Bất cứ việc gì tôi có thể làm trên tư cách Tổng thư ký LHQ, tôi sẵn sàng làm, gồm cả việc đích thân tới Bình Nhưỡng vào thời điểm này. Tôi cần phải tìm hiểu xem khi nào là thời điểm thích hợp để tới Bình Nhưỡng.

Tôi không thể đưa ra câu trả lời nào vào lúc này”. Ông Ban cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây, trong khi vẫn ủng hộ hội đàm đa phương, nếu cần thiết phải có một số hình thức đối thoại khác. Tổng thư ký LHQ hoan nghênh việc Triều Tiên sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Mỹ. “Đó là cái mà tôi ủng hộ và hoan nghênh”, ông nói.

Trong năm nay, Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt trừng phạt 13 tổ chức và cá nhân liên quan tới chương trình vũ khí và hạt nhân Triều Tiên. Ông Ban ủng hộ hành động này và nói “HĐBA đã phát đi một thông điệp mạnh, rõ ràng tới Bình Nhưỡng là cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân”.

GIA HUY (Tổng hợp từ Reuters, Yonhap, AFP, Xinhua, Kyodo)

;
.
.
.
.
.