.

Tàu Kang Nam quay về hướng xuất phát

.

Báo chí Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết, CHDCND Triều Tiên dường như đang xúc tiến làm giàu uranium để sản xuất thêm các vũ khí hạt nhân, trong khi phía Mỹ tiết lộ tàu Triều Tiên bị tình nghi chở vũ khí đã quay đầu hướng về nơi xuất phát.

Tàu Kang Nam của Triều Tiên bị hải quân Mỹ theo dõi, đang quay về hướng xuất phát.

Tàu Kang Nam rời cảng Nampo của Triều Tiên hôm 17-6 và là tàu đầu tiên bị theo dõi theo nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc với Bình Nhưỡng. Hành trình trên suốt quãng đường đi những ngày qua của tàu này luôn song hành với những phỏng đoán của Mỹ và cộng đồng quốc tế như: Điểm đến của Kang Nam là đâu? Liệu tàu này có chở những nguyên vật liệu bị cấm hay không? Những nghi vấn này đến nay vẫn chưa được giải đáp. Theo một quan chức Mỹ, hôm 30-6, tàu này ở cách phía nam Hồng Kông khoảng 400km. Các quan chức Mỹ nói, họ không biết vì sao tàu này lại quay trở về.  

Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc thực hiện hơn 1.000 trường hợp do thám nước này trong năm nay giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng chung quanh vấn đề hạt nhân. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một nguồn tin quân sự rằng, chỉ tính riêng trong tháng 6, các máy bay do thám Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành rất nhiều chuyến bay do thám trên không với Triều Tiên. KCNA cho biết: “Mỹ thực hiện hơn 110 trường hợp, trong khi Hàn Quốc có ít nhất 90 trường hợp trong tháng 6, nâng tổng số những lần do thám chống lại Triều Tiên lên hơn 1.100 lần ở giai đoạn 6 tháng đầu năm nay”.

Hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Sang-hee tiết lộ, tại phiên điều trần trước Quốc hội rằng: “Có vẻ rõ ràng là Triều Tiên đang theo đuổi mục tiêu làm giàu uranium. Chương trình làm giàu uranium dễ che giấu hơn hoạt động tái chế plutonium”. Hai vụ thử hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên, hồi tháng 5-2009 và tháng 10-2006, đều là các bom hạt nhân chế tạo từ plutonium. Hàn Quốc khẳng định, Triều Tiên có khoảng 40kg plutonium - đủ để chế tạo ít nhất 6 đầu đạn hạt nhân.
 
Hồi đầu tháng này, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ xúc tiến các hoạt động làm giàu uranium, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết tăng cường các biện pháp trừng phạt nước này vì vụ thử hạt nhân thứ 2. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Hyun In-taek đã kêu gọi 5 nước tham gia đàm phán 6 bên cùng chung nỗ lực để thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Phát biểu tại cuộc hội thảo quốc tế do Viện Nghiên cứu Chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc (KIEP) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói: “Tuy CHDCND Triều Tiên cự tuyệt từ bỏ chương trình hạt nhân, song cộng đồng quốc tế và các nước tham gia đàm phán 6 bên cần nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi chính sách”. Ông này kêu gọi CHDCND Triều Tiên cần sớm từ bỏ chương trình hạt nhân để nhận được viện trợ phát triển kinh tế từ cộng đồng quốc tế.

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói, Trung Quốc chủ trương cần kiên trì thông qua cơ chế đàm phán 6 bên để thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi Bình Nhưỡng không nên tiếp tục có các hành động gây căng thẳng thêm tình hình bán đảo Triều Tiên.

GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.