.

Thầy phong thủy và vụ kiện 4 tỷ đô la

.

Vụ kiện tụng hy hữu liên quan đến việc thừa kế tài sản của người phụ nữ giàu nhất châu Á lại nóng lên trong dư luận Hồng Kông, khi một bên đương sự bỗng dưng thừa nhận có quan hệ yêu đương với người quá cố suốt 15 năm qua.

Thầy phong thủy Tony Chan (trái) và người phụ nữ giàu nhất châu Á Nina Vương.

Bà Nina Wang, qua đời năm 2007 ở tuổi 69 và không có con, để lại một khối tài sản kếch sù do ông chồng đã chết của bà tích cóp được từ việc kinh doanh nhà đất ở Hồng Kông. Với tài sản ước tính khoảng 3,9 tỷ đô la Mỹ, bà Wang (bà Vương) được coi là người phụ nữ giàu nhất châu Á. Vụ kiện giành quyền thừa kế khối tài sản bắt đầu từ hồi tháng 5 vừa qua giữa gia đình bà Vương với một thầy phong thủy có tên là Tony Chan, kém bà Vương 23 tuổi, có vợ và ba con, nhưng luôn tự cho mình là “bạn thân lâu năm” của bà Vương.

Dư luận bắt đầu chú ý tới bà Vương từ năm 1983, khi bà bỏ ra số tiền lớn để chuộc ông chồng, Teddy Vương, bị kẻ gian bắt cóc. Năm 1990 ông Teddy bị bắt cóc lần nữa và mất tích. Năm 1999, khi tòa án xác định ông Teddy đã chết, bà Vương liền tự phong mình làm “chủ tịch” tập đoàn Chinachem Group - một công ty xây dựng của gia đình bà Vương nhưng sở hữu hàng trăm cao ốc ở Hồng Kông.

Theo thầy phong thủy Tony Chan, “trong thời gian dài, từ năm 1992 đến khi bà Vương mất, ông là người bạn thân thiết nhất, tin cậy nhất và là người tình của bà”. Mối tình của họ bắt đầu 15 năm trước, khi ông đặt tay lên đầu bà Vương để làm phép – giá của lần làm phép này là 6.500 đô la Mỹ; từ đó về sau hai người thường cùng nấu nướng, đi du lịch và đào những cái “hố phong thủy”, nơi họ ném ngọc ngà, tiền bạc và những vật quý khác để lấy may mắn. Ông Chan cho biết, họ đã đào khoảng 80 cái hố như vậy khắp Hồng Kông, có hố sâu tới 10 mét.

Rắc rối là ở chỗ, khi qua đời bà Vương để lại tới 2 bản di chúc. Trong bản di chúc viết bằng chữ Hán năm 2002, bà trao tặng tài sản cho Quỹ từ thiện của Công ty Chinachem; còn bản di chúc viết năm 2006 bằng tiếng Anh thì lại tặng toàn bộ tài sản cho thầy phong thủy Tony Chan. Tranh cãi tập trung vào vấn đề, trong hai bản di chúc này, bản nào thật sự phản ánh ý nguyện của bà Vương và có giá trị pháp lý.

Tập đoàn Chinachem hiện do những người em của bà Vương quản lý, họ cùng nhiều bạn bè, thân nhân khai trước tòa rằng, họ chưa bao giờ nghe nói tới Tony Chan, nói gì tới “mối tình” giữa hai người. Phía gia đình và Chinachem còn cho rằng, bản di chúc tiếng Anh năm 2006 không có giá trị vì được lập ra vào lúc bà Vương bị bệnh nặng, tâm thần không ổn định, không có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Tuy nhiên, lời khai của một số đối tác làm ăn của bà Vương, như ngân hàng Goldman Sachs chẳng hạn, cho thấy ngay trước khi chết, bà Vương vẫn quyết định những vụ mua bán cổ phiếu có giá trị lên tới nhiều chục triệu đô la Mỹ.

Để minh họa cho “mối tình sâu nặng” của bà Vương đối với mình, ông thầy phong thủy Tony Chan khai rằng, chính bà cho tiền để ông ta tổ chức đám cưới thật hoành tráng ở khách sạn sang trọng nhất Hồng Kông, Grand Hyatt Hong Kong Hotel. Ông cũng thú nhận rằng, những năm qua bà Vương đã cho ông tổng cộng 258 triệu đô la Mỹ. Nhưng những số liệu này khó mà kiểm chứng được, dù có nhân chứng khai rằng bà Vương đã ba lần gọi xe tải tới nhà vào giữa đêm khuya để chở những bao tải tiền mặt tới nhà ông Tony Chan, mỗi lần 89 triệu đô la Mỹ.

Đã hai tháng qua, tòa án vẫn chưa phân xử được, Công ty Chinachem và gia đình bà Vương hay ông thầy phong thủy Tony Chan là người được thừa kế hợp pháp tài sản của bà Vương, nhưng công chúng hiếu kỳ ở Hồng Kông ngày nào cũng kéo đến ngồi chật phòng xử án, báo chí thì liên tục đăng tải những “tình tiết mới”.

Trước khi gặp bà Vương vào đầu thập niên 1990, ông Tony Chan là kẻ thất nghiệp, sống chung với bạn gái trong một đại gia đình tại một dự án nhà ở công cộng. Dù vụ kiện có kết quả thế nào thì cuộc đời của ông thầy phong thủy cũng đã thay đổi tận gốc nhờ cái mà ông gọi là “quà tặng của tình yêu” của bà Vương.

Thái Bình

 

;
.
.
.
.
.