.

Vẫn còn nhiều thách thức đối với ông Zelaya

.

Sự kiện Tổng thống bị lật đổ của Honduras, Manuel Zelaya đặt bước chân lên lãnh thổ Honduras lần thứ hai vào cuối tuần qua được xem là hành động dũng cảm, giữa lúc Chính phủ Tổng thống lâm thời Roberto Micheletti thông báo sẽ không chịu trách nhiệm về an toàn tính mạng của ông do không kiểm soát được tình hình bạo lực hiện nay. Liệu những hành động dũng cảm của ông Zelaya có giúp ông trở lại vị trí cũ của mình, khi mà những người ủng hộ ông vẫn còn xung đột với binh lính và cảnh sát của Chính phủ lâm thời?

Những người ủng hộ ông Zelaya tại biên giới Nicaragua-Honduras khi ông đặt bước chân “tượng trưng” lên lãnh thổ Honduras.

Bất chấp đe dọa trừng phạt từ nhiều nước trên thế giới nếu không phục chức cho ông Zelaya, Chính phủ lâm thời ở Hondura đã khẳng định sẽ bắt ông này nếu ông đặt chân về nước. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton cho rằng, chuyến trở về của ông Zelaya là “liều lĩnh”. Các nhà lãnh đạo quốc tế thúc giục Zelaya không nên về nước vì e ngại hành động này sẽ dẫn đến một cuộc tắm máu, nhưng Zelaya tuyên bố ông không có sự lựa chọn sau khi cuộc đối thoại với chính phủ của phe lật đổ, do Mỹ hậu thuẫn, không phục hồi được vị trí của ông.

Ngược lại, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), cựu quan chức Nicaragua - Miguel D’Escoto Brockmann cho rằng, hành động này là đúng thời điểm và thể hiện sự dũng cảm của ông Manuel Zelaya. Ông D’Escoto cho biết, Tổng thống Manuel Zelaya cần chuẩn bị vài ngày để nắm lại tình hình ông đã bỏ qua trong thời gian vắng mặt vừa qua.

Ông Manuel Zelaya hôm 26-7 tiếp tục đặt bước chân “tượng trưng” lên lãnh thổ Honduras lần thứ hai qua đường biên giới Nicaragua và tuyên bố sẽ cắm trại tại đó, bất chấp kêu gọi của các lãnh đạo nước ngoài rằng, ông không nên đối đầu với chính phủ đã lật đổ ông vào tháng trước.

Ông cho biết, ông sẽ không cố gắng vượt biên lần thứ hai vì lo ngại quân đội sẽ tấn công người ủng hộ ông. Trước đó, những người ủng hộ ông Zelaya đã xung đột với binh sĩ và cảnh sát sau khi chính phủ lâm thời Honduras ra lệnh cho mọi người rời khỏi các tuyến đường ở dọc biên giới dài 1.000km giáp Nicaragua theo lệnh giới nghiêm. Cảnh sát đã phải dùng đạn hơi cay để dẹp yên đám đông biểu tình.

Quân đội được triển khai dọc biên giới, nhưng không có động thái lập tức bắt ông Zelaya dù ông này đứng thương lượng qua điện thoại với các quan chức quân đội trên phần lãnh thổ Honduras, kêu gọi quân đội hạ vũ khí và yêu cầu chính phủ của Tổng thống Roberto Micheletti cho phép ông về nước. Trong một tuyên bố, chính phủ lâm thời Honduras nói, họ vẫn tin vào các cuộc thương lượng. 

Ông Zelaya đã từng không thể hạ cánh xuống sân bay chính của Honduras do quân đội chặn đường bay bằng rất nhiều xe quân sự. Phi công trên chiếc máy bay của Venezuela chở Tổng thống bị lật đổ Zelaya về nước phải lượn vòng trên sân bay của thủ đô Tegucigalpa, và quyết định hạ cánh là “hoàn toàn không thể” bởi các xe tải chặn hết đường băng. Trong khi đó, các nhóm binh sĩ và cảnh sát được triển khai quanh đường băng và quanh vành đai của sân bay, ngăn chặn hàng ngàn người ủng hộ ông Zelaya ở bên ngoài.

Sau khi vào Honduras, ông Zelaya đã gửi một thông điệp đến Đại tá Romero Vazquez - người đứng đầu lực lượng vũ trang Honduras và cũng là người cầm đầu cuộc đảo chính quân sự vừa qua, trong đó đề xuất một cuộc gặp giữa hai ông tại cửa khẩu để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong bài phát biểu được phát thanh trực tiếp từ khu vực biên giới, ông Zelaya tuyên bố ông không thể cầm quyền với sự chống đối mạnh mẽ từ các nhóm thế lực này, song họ cũng không thể thực hiện điều đó với sự chống đối của người dân.
 
Ông Zelaya đã không bị bắt giữ ở biên giới như tuyên bố của chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Carlos Lopez của Chính phủ lâm thời Honduras khẳng định lệnh bắt ông Zelaya vẫn có hiệu lực và ông Zelaya sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Ông Lpoez cũng khẳng định chính phủ lâm thời sẽ bảo đảm an ninh cho ông Zelaya và các quan sát viên quốc tế sẽ được mời tham dự phiên tòa này.

Theo tin nước ngoài, ngày 22-7, cuộc thương lượng lần ba giữa đại diện Tổng thống bị phế truất và Tổng thống lâm thời Honduras kết thúc với “Tuyên bố San Hose” của Tổng thống Costa Rica Oscar Arias trong vai trò trung gian hòa giải, yêu cầu phục chức cho Tổng thống bị phế truất M.Zelaya trong vòng 24 giờ tới.

Theo đó, Tổng thống Zelaya về nước trong ngày 24-7 để đảm đương nhiệm kỳ hiện nay; lập chính phủ liên hiệp vào ngày 27-7; tổ chức bầu cử Tổng thống ngày 28-10; ân xá cho các phần tử tham gia đảo chính vừa qua... Tổng thống Arias coi đây là đề xuất cuối cùng cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras, hy vọng hai bên ký thỏa thuận thông qua. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá không chắc chắn đề xuất trên được hai bên thông qua.
 
Ðại diện phái đoàn của Tổng thống lâm thời Honduras cho biết, đề xuất của ông Arias sẽ được trình Tổng thống, Quốc hội và Tòa án tối cao nước này. Ðến nay, chính phủ lâm thời vẫn giữ quan điểm không thể phục chức cho ông Zelaya. Trong khi đó, các nguyên thủ tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 37 khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) ngày 24-7 đã nhất trí lên án cuộc đảo chính ở Honduras, coi đó là hành động phá vỡ trật tự hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh nền dân chủ chỉ được khôi phục một khi Tổng thống bị phế truất Zelaya được phục chức. Các nhà lãnh đạo Mercosur khẳng định, mọi hành động của chính phủ lâm thời ở Honduras đều vô giá trị, kể cả việc tổ chức tổng tuyển cử mà họ đang triển khai.

Tuy nhiên, Chính phủ lâm thời vẫn ra lệnh bắt ông Zelaya với các cáo buộc ông này vi phạm hiến pháp và tham nhũng. Nếu bị buộc tội, ông Zelaya có thể ngồi tù 43 năm. Vì vậy, ông Zelaya sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức nếu ông quyết định trở về nước.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.