* Thái Lan đóng cửa trường học vì cúm A/H1N1
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, trong bối cảnh dịch cúm A/H1N1 vẫn chưa được khống chế, tất cả các nước trên thế giới sẽ cần phải sử dụng vaccine phòng cúm A/H1N1. Các nhà khoa học Anh đã phát hiện sự biến thể của virus cúm A/H1N1 thành chủng virus nguy hiểm hơn tại London trong bối cảnh đại dịch này đang phát triển ở mức “không thể ngăn chặn được”.
Bà Margaret Chan khẳng định, chưa thể có kết quả thử nghiệm đại trà đối với vaccine phòng cúm A/H1N1 trong vòng 2 hoặc 3 tháng tới. |
Theo chuyên gia về các vấn đề sinh học tiến hóa thuộc Trường Đại học Oxford, tiến sĩ Oliver Pybas, hiện hầu như không thể tiên lượng được những xu hướng biến thể của loại virus nguy hiểm này. Trong khi đó, WHO cho biết, sẽ phải mất vài tháng nữa mới có vaccine phòng cúm A/H1N1. Thông báo trên do Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan đưa ra hôm 15-7, giữa lúc Anh tuyên bố bắt đầu từ tháng 8 tới sẽ tiêm phòng cúm A/H1N1 cho các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất ở nước này.
Phát biểu với báo “Người bảo vệ” của Anh, bà Chan cho biết, có thể sẽ sớm có vaccine phòng cúm A/H1N1, nhưng việc bào chế được một loại vaccine mới không đồng nghĩa với sản xuất được vaccine an toàn cùng loại. Bà khẳng định, chưa thể có kết quả thử nghiệm đại trà đối với vaccine phòng cúm A/H1N1 trong vòng hai hoặc ba tháng tới.
Nhiều nước trên thế giới cũng đang tìm kiếm các biện pháp đối phó với dịch bệnh, bao gồm mua vaccine, sau khi WHO cảnh báo đại dịch cúm A/H1N1 chưa có dấu hiệu có thể ngăn chặn được. Đức có kế hoạch mua khoảng 25 triệu liều vaccine mới để tiêm phòng cho gần 1/3 dân số nước này. Với dự đoán số người nhiễm dịch sẽ tăng lên 3-4 triệu trường hợp vào tháng 3-2010, Chính phủ Italia dự định cuối năm nay sẽ tạo khả năng miễn dịch cho khoảng 8,6 triệu người, ưu tiên nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm và những người làm việc tại các trung tâm dịch vụ khẩn cấp. Australia, nước bị tác động mạnh nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng dự định tiêm phòng cho toàn dân và đã đặt cọc mua 21 triệu liều vaccine mới.
Tại ổ dịch lớn như Nam Mỹ, ngành y tế Argentina cùng ngày tổ chức cuộc họp với các đại diện y tế của Bolivia, Brazil, Chile, Urugoay và Paragoay để tìm biện pháp phối hợp đối phó với dịch bệnh. Tại Peru, khoảng 15.000 bác sĩ kêu gọi tiến hành biểu tình trên toàn quốc yêu cầu Chính phủ có các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn, bao gồm tạo điều kiện để các bệnh viện có thể ngăn chặn những sai sót tiếp theo trong quá trình điều trị cho người nhiễm bệnh và giảm thiểu số ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong khi đó, tại Thái Lan, chính quyền thủ đô Bangkok sẽ đóng cửa tất cả 435 trường học, 200 nhà trẻ và 13 trung tâm dạy nghề từ 15 đến 19-7. Người đứng đầu thủ đô Bangkok, ông Sukhumbhand Paribatra, cho biết, chính quyền thành phố cũng sẽ tập trung vào chiến dịch khuyến khích mọi người mang khẩu trang bảo vệ, đặc biệt ở những khu vực công cộng, và vệ sinh tay để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Thành phố sẽ phát 2 triệu khẩu trang cho người đi lại ở những địa điểm công cộng đông đúc như các nhà ga.
Cùng ngày, Thứ trưởng Y tế công cộng Thái Lan Manit Nopamornbodee thông báo rằng, trong khoản ngân sách 850 triệu baht (25 triệu USD) mà Chính phủ vừa thông qua cho chiến dịch phòng chống cúm A/H1N1, 600 triệu baht sẽ được chi cho việc mua 2 triệu liều vaccine chống cúm từ Pháp. Số còn lại sẽ để mua 10 triệu viên thuốc chống virus.
Số vaccine này dự kiến về đến Thái Lan trong vòng 4 hoặc 5 tháng nữa, còn việc mua thêm thuốc chống virus sẽ nâng tổng số thuốc trong kho của nước này lên 15 triệu viên. Đây là động thái mới nhất của Thái Lan nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm A/H1N1 khi số ca tử vong do cúm A/H1N1 ở nước này đã lên đến 24 người. Chính quyền thành phố cũng có kế hoạch đóng cửa tất cả các trường học trong hai ngày 10 và 11-8 để tổng vệ sinh.
GIA HUY