.
Bầu cử Hạ viện Nhật

Cuộc bầu chọn cho sự thay đổi

.

Cử tri Nhật Bản hôm 30-8 đã đi bầu Hạ viện lần thứ 45 tại 51.000 điểm bỏ phiếu thuộc 300 khu vực bầu cử, đánh dấu một sự kiện lớn nhất trong năm nay ở Nhật và cũng là sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Nhật trong vòng 50 năm qua với một cuộc tranh đua  ngang tài ngang sức.

Mối quan tâm chủ yếu của cử tri Nhật Bản hiện nay là khủng hoảng kinh tế và chính sách an sinh xã hội cho một đất nước mà dân số đang có xu hướng vừa giảm vừa lão hóa.

Đằng sau sự kiện này, ẩn chứa sự thay đổi trong nhận thức của người dân Nhật Bản về vị thế của đất nước họ trong nền kinh tế toàn cầu. Giới nghiên cứu kinh tế-chính trị quốc tế cảnh báo rằng, Nhật Bản vốn rơi vào tình trạng trì trệ trong hơn hai thập niên qua - sẽ trượt dốc dài nếu như nước này không tiến hành cải cách kinh tế một cách cơ bản. Nhiều người dân quốc đảo này bắt đầu tin rằng, nền kinh tế nước họ cần phải được cải tổ để thoát khỏi tình cảnh hiện tại. Thực tế này là cơ sở cho khả năng kết thúc sự thống trị của Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Theo khảo sát của giới truyền thông, Đảng Dân chủ đối lập (DPJ) có thể thắng áp đảo trong bầu cử Hạ viện, tạo nên cơn địa chấn trên chính trường Nhật, dù một số nhà phân tích cho rằng dự đoán này có thể là quá mức. Với chiến thắng của DPJ thì sự cầm quyền kéo dài hơn 50 năm của Đảng LDP sẽ bị phá vỡ và đồng thời phá bế tắc ở Quốc hội, nơi đảng đối lập và các đồng minh hiện nắm quyền kiểm soát ở Thượng viện kể từ 2007 và có thể trì hoãn thông qua một số dự luật.
 
“Tôi ủng hộ LDP nhưng lần này, tôi sẽ bầu cho DPJ vì muốn chứng kiến mọi việc có thể thay đổi thế nào khi một chính phủ của DPJ nắm quyền”, Takeshi Yagi, một thợ làm đầu 39 tuổi ở Tokyo, người vừa bỏ phiếu sau khi các điểm bầu cử mở cửa hôm 30-8.

Lãnh đạo Đảng DPJ Yukio Hatoyama, 62 tuổi, khẳng định, cuộc bầu cử lần này sẽ thay đổi lịch sử Nhật. Đây là cuộc bỏ phiếu để chứng kiến liệu cử tri Nhật có đủ dũng cảm tách khỏi hoạt động chính trị kiểu cũ không.
 
Trong cuộc bầu cử lần này, Đảng DPJ cam kết tái tập trung vào chi tiêu gia đình, hỗ trợ cho nông dân trong khi lấy quyền kiểm soát chính sách từ bộ máy quan liêu, vốn bị coi là nguyên nhân dẫn đến việc Nhật không thể giải quyết các vấn đề như hệ thống lương hưu. DPJ cũng muốn thiết lập thế đứng ngoại giao độc lập hơn đối với Mỹ, muốn Nhật xây dựng quan hệ tốt hơn với châu Á - mối quan hệ vốn căng thẳng do những ký ức cay đắng từ thời chiến tranh.

Sứ mạng phục hồi kinh tế của LDP đang mất dần khi người dân Nhật Bản đã mất lòng tin vào đảng này. Giữa lúc DPJ cố mang hình ảnh đổi mới đất nước, thì Đảng LDP khẳng định ưu thế về những kinh nghiệm quản lý và điều hành đất nước trong thời gian cầm quyền kéo dài của mình. Tuy nhiên, nhiều người dân Nhật vẫn mong muốn một sự thay đổi đất nước khi họ đặt niềm hy vọng vào những lá phiếu ủng hộ DPJ.

Một khi lên nắm quyền, DPJ sẽ phải khuyến khích toàn xã hội thảo luận sâu rộng nhằm đạt được sự đồng tâm nhất trí toàn dân về chiến lược kinh tế. Thứ nhất, Nhật Bản có thể tìm được các biên giới tăng trưởng mới ở đâu? Giờ đây, khi mà sức tăng trưởng dựa vào xuất khẩu là một lựa chọn tồi, Nhật Bản sẽ phải quay về các thị trường nội địa như là một nguồn tăng trưởng chủ chốt.
 
Thứ hai, làm thế nào Nhật Bản có thể giải quyết được tình trạng già hóa dân số. Câu hỏi này sẽ bao trùm các vấn đề cải cách tiền lương, việc làm và nhập cư. Hơn nữa, nó đòi hỏi Nhật Bản phải tìm ra nhiều biện pháp sáng tạo để sử dụng các thị trường mới nổi cho người già - từ du lịch tới các dịch vụ chăm sóc y tế, sức khỏe - như một động cơ tăng trưởng.

Dầu vậy, cho dù đảng nào lên nắm quyền thì cũng phải đối phó với những khó khăn hiện nay của nước Nhật, và càng không thể giải quyết một cách chóng vánh một sớm một chiều khi mà vấn đề phát triển kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng già hóa dân số... đang là một bài toán  chưa có lời giải.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.