Các nước châu Âu ngày 9-8 đã lên tiếng chỉ trích gay gắt những phiên tòa tập thể diễn ra mới đây ở Iran xung quanh những bất ổn sau cuộc bầu cử Tổng thống nước này. Trong số những người bị bắt giữ và phải hầu tòa có cả nhân viên các Sứ quán Pháp và Anh tại Iran.
Clotilde Reiss (trái) và các bị cáo khác tại phiên tòa. (Ảnh: AFP) |
Còn Nazak Afshar bị buộc tội “cung cấp thông tin về cuộc bạo loạn cho người nước ngoài”. Theo Hãng thông tấn chính thức của nhà nước Iran (IRNA), Afshar đã khóc khi thừa nhận có liên quan đến tình hình bất ổn sau bầu cử. Trong khi đó, nhà phân tích chính trị tại Sứ quán Anh Hossein Rassam bị buộc tội làm gián điệp và đã thú nhận trao thông tin về cuộc bạo loạn cho Washington.
Tờ Kayhan đã cáo buộc các nhà ngoại giao của Anh có liên quan đến chiến dịch của ứng viên Tổng thống bị thất bại, ông Hossein Mousavi, chống lại Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Tổng biên tập của tờ Kayhan do nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei chỉ định. Theo luật Hồi giáo Iran, tội hoạt động gián điệp và hành động chống lại an ninh quốc gia sẽ bị xử tử hình.
Những người biểu tình cho rằng, cuộc bầu cử đã được sắp đặt trước để Tổng thống Ahmadinejad tái đắc cử. Tuy nhiên, giới chức Iran khẳng định đây là cuộc bầu cử “lành mạnh nhất” kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo vào năm 1979. Trong số các bị cáo còn có cựu nghị sĩ cải cách Ali Tajernia; Shahaboddin Tabatabaei, nhà lãnh đạo xuất sắc của IIPF - đảng theo đường lối cải cách lớn nhất tại Iran; và nhà báo Ahmad Zeidabadi, bình luận viên chính trị. Tất cả những người này đều mặc đồng phục tù nhân.
Đây là phiên tòa xét xử tập thể thứ hai trong tuần qua của Iran đối với những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình bạo lực sau cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 12-6. Thụy Điển, nước hiện giữ chức Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU), đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại về phiên tòa xét xử các nhân viên sứ quán Anh và Pháp tại Iran, đồng thời khẳng định hành động chống bất kỳ nhân viên sứ quán nào của EU cũng là hành động chống lại toàn khối này.
Thụy Điển cũng yêu cầu 3 người bị xét xử phải được trả tự do. AP cho biết, các nhóm nhân quyền và phe đối lập ở Iran đã chỉ trích phiên tòa là sự giả tạo và nói rằng, việc các bị cáo nhận tội là do ép buộc và theo kịch bản. Chính phủ Anh gọi phiên tòa là sự sỉ nhục. Ngoại trưởng Anh David Miliband chỉ trích phiên tòa và nói rằng Chính phủ đã đề cập vấn đề này với đại sứ Iran ở London và Thứ trưởng Ngoại giao của Iran. Paris đã bác bỏ lời buộc tội đối với bà Reiss vì cho là “vô căn cứ”, đồng thời yêu cầu phóng thích công dân nước này ngay lập tức.
Trong khi đó, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran đang tìm cách được phép đến thăm 3 công dân Mỹ bị Iran bắt giữ cách đây 9 ngày do xâm nhập lãnh thổ Iran từ Iraq. Mỹ cũng đang tìm cách phối hợp thông qua Sứ quán của nước này tại Baghdad nhằm trả tự do cho 3 công dân của mình.
PHÚC NGUYÊN