.

Đức sẽ thành công với vai trò mới ở Trung Đông ?

.

Hôm 27-8, Thủ tướng Israel Netanyahu đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin, Đức sau khi Hamas chính thức thừa nhận vai trò trung gian hòa giải mới của Đức, đặc biệt là việc thương lượng nhằm trả tự do cho binh sĩ Galid của Israel bị Hamas bắt giữ.

Đức có lợi thế của một nước có hướng đi độc lập và mới mẻ so với một số nước châu Âu khác nên rất hữu ích trong việc giải quyết tình hình Trung Đông vốn loanh quanh với những mâu thuẫn cũ.

Hamas hy vọng với sự hỗ trợ của Đức, cuộc đàm phán vốn bị bế tắc hơn 3 năm nay sẽ được thúc đẩy. Đức vốn là đồng minh của Israel và đã hỗ trợ đàm phán trao đổi tù nhân trong cuộc chiến Libăng-Israel thành công. Trước đó, Ai Cập đã từng đứng ra làm trung gian đàm phán trao đổi tù nhân giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán từ giữa năm 2006 đến nay vẫn chưa đạt được kết quả. Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak khẳng định, Ai Cập đang nỗ lực hợp tác với Đức để giải quyết vấn đề này.

Việc Hamas thừa nhận vai trò trung gian hòa giải mới của Đức đã hé lộ mục đích chính của chuyến thăm Đức lần này của Thủ tướng Israel Netanyahu. Đó là tập trung giải thoát cho binh sĩ Galid đang nằm trong tay Hamas từ nhiều tháng qua, hơn là đối phó với mối nguy hiểm từ phía Iran. Hiện, Israel đang giam giữ khoảng 11.000 tù nhân Palestine. Phong trào Hamas yêu cầu Israel thả tự do cho hàng trăm tù nhân Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Israel, để đổi lấy sự tự do của trung sĩ Gilad Shalit. Tuy nhiên, Israel đã từ chối yêu cầu này.

Trước Đức, Pháp cũng đã tham gia tích cực trong việc hòa giải giữa Israel với Hamas, thậm chí Pháp không ngần ngại tiết lộ các cuộc gặp bí mật với phía Hamas để nhằm mục đích giải thoát cho binh sĩ Israel. Nhưng cuối cùng, Pháp cũng không thể hoàn thành vai trò này.
 
Vậy liệu Đức - nước còn mới mẻ trong con mắt nhiều người ở Trung Đông - có thể xoay chuyển được gì, khi mà một quốc gia có mối quan hệ và uy tín lịch sử gắn bó chặt chẽ với Trung Đông như Pháp đã thất bại. Xét về góc độ chính trị, có một mong muốn lớn từ phía chính phủ Đức trong việc thúc đẩy vai trò, ảnh hưởng của nước này trong các vấn đề quốc tế, mà xung đột Trung Đông là một trong những vấn đề nóng nhất.

Mặc dầu Đức từng tham gia hỗ trợ đàm phán trao đổi tù nhân trong cuộc chiến giữa Israel và Li-băng thành công, nhưng người ta vẫn đặt nghi vấn vào vai trò của Đức bởi từ trước đến nay, nước này chưa có nhiều uy tín và kinh nghiệm trong vấn đề hòa giải xung đột quốc tế. So với Pháp, Đức không phải là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nên tiếng nói không lớn trong các quyết định của LHQ về Trung Đông.

Ngược lại, Đức có lợi thế của một nước có hướng đi độc lập và mới mẻ so với một số nước châu Âu khác, và điều đó có thể hữu ích đối với tình hình Trung Đông vốn loanh quanh với những mâu thuẫn xưa cũ. Đức đang đóng vai trò tích cực trong đối thoại về vấn đề hạt nhân của Iran. Đức cũng vừa có bước đi đột phá là thúc đẩy quan hệ chiến lược với Nga trong khi nhiều nước châu Âu có phần né tránh và e ngại Moscow.

Với ưu điểm này, rất có thể, nhà trung gian hòa giải Đức sẽ dễ dàng được các bên xung đột ở Trung Đông chấp nhận hơn. Tuy nhiên, thành bại trong vai trò mới này của Đức còn phải chờ vào kết quả cuối cùng sau các cuộc đàm phán.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.