Trong một diễn biến bất ngờ vào ngày 23-8 khiến cả thế giới quan tâm, đó là Tổng thống nổi tiếng bảo thủ và có đường lối cứng rắn của Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tiếp đoàn quan chức CHDCND Triều Tiên. Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Lee với các quan chức cấp cao đến từ miền Bắc kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 2-2008 tới nay.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (phải) tiếp Thư ký Đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki Nam tại Dinh Tổng thống ở Seoul hôm 23-8. |
Theo người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Lee Dong-kwan, tại cuộc gặp với Tổng thống Lee Myung-bak, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương với Hàn Quốc trong thông điệp được phái đoàn cấp cao Triều Tiên truyền đạt tới Tổng thống Hàn Quốc.
Quan hệ liên Triều vốn bị đẩy lên căng thẳng trong thời gian gần đây, khi Triều Tiên có những hành động bắn tên lửa và thử hạt nhân khiến Hàn Quốc và Mỹ lo lắng buộc hai nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, những động thái mới vào ngày 22-8-2009 đang có dấu hiệu làm tan băng quan hệ hai nước, bằng cuộc gặp hiếm hoi của Bộ trưởng Bộ thống nhất Hàn Quốc Hyun In-taek với Trưởng cơ quan tình báo CHDCND Triều Tiên Kim Yang Gon, người đặc trách các vấn đề liên Triều của Bình Nhưỡng. Dầu vậy, cả hai bên không hề tiết lộ thêm chi tiết nào và có vẻ thận trọng khi được hỏi về triển vọng quan hệ hai miền.
Bộ trưởng Bộ thống nhất Hàn Quốc Hyun In-taek chỉ phát biểu vắn tắt với báo giới sau cuộc gặp rằng: “Tôi luôn mong muốn được bàn thảo về các vấn đề liên Triều”. Theo lịch trình dự kiến trước đó, phái đoàn các quan chức cao cấp của CHDCND Triều Tiên sẽ rời Seoul về nước cuối ngày 22-8, trước khi ông Kim Dae-jung được chôn cất, nhưng sau đó lịch trình này đã được thay đổi.
Cố Tổng thống Kim Dae-jung, một nhân vật xuất chúng trong cuộc đấu tranh dân chủ ở Hàn Quốc đã qua đời ở tuổi 85 hôm 18-8. Ông Kim nổi tiếng với cái bắt tay lịch sử và việc ôm lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào tháng 6-2000 tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trên bán đảo bị chia cắt. Hội nghị này là thành quả của “chính sách ánh dương” giúp ông Kim Dae-jung giành giải Nobel Hòa bình.
Ý tưởng của cựu Tổng thống Hàn Quốc giúp làm giảm căng thẳng với Triều Tiên thông qua hợp tác kinh tế đã bị phân tán dưới thời chính phủ bảo thủ của Tổng thống Lee Myung-bak. Theo các nhà phân tích, những dấu hiệu hòa dịu ngoại giao của Triều Tiên mới đây với Hàn Quốc và Mỹ dường như vẫn chưa phải lúc dự báo về bước đột phá trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington, nhưng rõ ràng Hàn Quốc và Mỹ đang lúng túng trước chính sách mới của Triều Tiên.
Chỉ vài giờ trước khi có chuyến thăm bất ngờ của phái đoàn Triều Tiên tới Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã chính thức mở cửa biên giới cho xe lửa lưu thông và cho công nhân Hàn Quốc đến làm việc ở khu công nghiệp Kaesong ở vùng biên giới phía bắc - nơi có khoảng 100 xí nghiệp Hàn Quốc đặt cơ sở. Triều Tiên cũng khôi phục lại đường dây nóng và cho hoạt động trở lại tuyến đường sắt đã bị ngưng trệ từ cuối năm 2008.
Những cử chỉ này xuất hiện sau quyết định của Triều Tiên trả tự do cho nhân viên Hàn Quốc bị bắt giữ từ tháng 3. Không chỉ tỏ vẻ hòa dịu với Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đã có một số cử chỉ nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ, mà đầu tiên là trả tự do hai nhà báo Mỹ nhân chuyến đi Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Bill Clinton. Tiếp đến, hai nhà ngoại giao thuộc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc hôm 19-8 đã gặp thống đốc bang New Mexico Bill Richardson và đưa ra thông điệp rằng Bình Nhưỡng hy vọng Washington sẽ thay đổi lập trường sau vụ trả tự do cho hai nữ phóng viên.
Đáp lại những hành động trên, Seoul đã bật đèn xanh cho việc nối lại những cuộc đoàn tụ các gia đình bị ngăn cách bởi đường biên giới nhưng vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng là liệu Seoul có nắm lấy cơ hội này để xoa dịu những căng thẳng lâu nay giữa hai bên hay không. Theo tờ Choson Sinbo (có trụ sở ở Nhật Bản và ủng hộ Bình Nhưỡng), Triều Tiên mong muốn phá vỡ các biện pháp trừng phạt mà quốc tế áp đặt với nước này sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Những cử chỉ mới của Triều Tiên đã nhận được phản ứng tích cực của Hàn Quốc, nhưng hai bên vẫn còn bị chia rẽ về nhiều vấn đề, đặc biệt là chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, tại Mỹ, trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rõ là Mỹ sẵn sàng hội đàm song phương với Triều Tiên, nhưng phải là trong khuôn khổ đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa.
Giới phân tích Mỹ cho rằng, mục tiêu tối hậu của Bình Nhưỡng vẫn là được Mỹ công nhận như là một cường quốc hạt nhân, điều mà toàn bộ chính giới Mỹ bác bỏ. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để dự báo một bước đột phá ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này của phái đoàn Triều Tiên, khi mà mấu chốt căng thẳng giữa hai nước là vấn đề hạt nhân vẫn chưa được khai thông.
ĐOÀN LƯƠNG